Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nghị định này gồm 5 Chương, 23 Điều; quy định chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện theo quy định của Luật Thanh niên.
Chính sách đối với thanh niên xung phong
Nghị định quy định rõ chính sách đối với đội viên thanh niên xung phong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chính sách đối với đội viên thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đó, đội viên thanh niên xung phong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; được cấp trang phục thanh niên xung phong tối thiểu mỗi năm 02 bộ, thẻ đội viên thanh niên xung phong; được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn, nghề nghiệp; tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí theo quy định của pháp luật; được tham gia hoạt động đoàn thể; được bồi dưỡng, xét kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam theo quy định của Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; được ưu tiên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định hiện hành.
Đội viên thanh niên xung phong có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì được tổ chức thanh niên xung phong đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc quyết định được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Đội viên thanh niên xung phong đang làm việc trong tổ chức thanh niên xung phong nếu bị chết thì được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được tổ chức thanh niên xung phong hỗ trợ phương tiện đưa về quê quán hoặc gia đình nếu có yêu cầu của thân nhân.
Đội viên thanh niên xung phong có công trạng, thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Đội viên thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật thì được hưởng thêm các chính sách sau: Được hỗ trợ một khoản sinh hoạt phí 06 tháng đầu kể từ khi làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mỗi tháng làm việc được hưởng mức sinh hoạt phí bằng 01 lần mức lương cơ sở theo quy định của pháp luật; được tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
Đối với đội viên thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì được tổ chức thanh niên xung phong cấp Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ; được ưu tiên khi tham gia tuyển dụng công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Trường hợp có nguyện vọng ở lại định cư, lập nghiệp tại các địa phương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được áp dụng các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn nơi định cư.
Trường hợp thực hiện nhiệm vụ tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật thì được hưởng thêm các chính sách sau: (1) Trợ cấp 01 lần theo mức mỗi năm làm việc trong tổ chức thanh niên xung phong tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bằng 01 tháng tiền công hiện hưởng. Trường hợp không đủ 01 năm (12 tháng) nếu thời gian làm việc từ 01 tháng đến đủ 06 tháng thì hưởng 1/2 tháng tiền công, nếu thời gian làm việc trên 06 tháng thì được tính 01 tháng tiền công; (2) Được miễn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự; (3) Được cấp tiền tàu xe đi đường khi trở về địa phương.
Chính sách đối với thanh niên tình nguyện
Nghị định cũng quy định rõ chính sách đối với thanh niên tình nguyện tham gia các chương trình, đề án, dự án; chính sách đối với thanh niên tình nguyện, cơ quan tổ chức hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và xã hội.
Theo quy định, thanh niên tình nguyện trong quá trình thực hiện chương trình, đề án, dự án được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký hợp đồng lao động; được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; được hưởng các chế độ tiền lương hoặc tiền công, phụ cấp, trợ cấp, công tác phí và chế độ, chính sách khác quy định trong chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được trang bị phương tiện làm việc và phương tiện bảo hộ cá nhân cần thiết, bảo đảm an toàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hoạt động tình nguyện.
Đồng thời, thanh niên tình nguyện được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và các kỹ năng cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; được phân công, giao nhiệm vụ phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo và nhu cầu bố trí, sử dụng thanh niên tình nguyện; được tham gia hoạt động đoàn thể; được bồi dưỡng, xét kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam theo quy định của Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; được chính quyền địa phương, đơn vị nơi diễn ra hoạt động tình nguyện tạo điều kiện về nơi ở; tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương; được cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị nơi diễn ra hoạt động tình nguyện xem xét, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phù hợp với quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương.
Đối với các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của thanh niên tình nguyện được cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị nơi diễn ra hoạt động tình nguyện đánh giá có hiệu quả, tính khả thi cao thì được chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ tổ chức triển khai thực hiện.
Thanh niên tình nguyện có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi diễn ra hoạt động tình nguyện đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc quyết định được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện bị chết thì được hưởng tiền trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, được chính quyền địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện hỗ trợ phương tiện đưa về quê quán hoặc gia đình theo yêu cầu của thân nhân…
Sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, thanh niên tình nguyện được chính quyền địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện cấp Giấy chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện theo thẩm quyền; được cấp có thẩm quyền, đơn vị nơi diễn ra hoạt động tình nguyện xem xét, quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian hoạt động tình nguyện và có nhu cầu tiếp tục ở lại địa phương công tác; được hỗ trợ một lần bằng một nửa tiền lương hoặc tiền công tháng hiện hưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao; được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm theo quy định của pháp luật.
Thanh niên tình nguyện có nguyện vọng ở lại định cư, lập nghiệp tại các địa phương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã đặc biệt khó khăn thì được áp dụng các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn nơi định cư.
Còn sau khi kết thúc hoạt động tình nguyện, thanh niên tình nguyện được cấp Giấy chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện; được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và pháp luật về việc làm; được xem xét, ưu tiên tuyển chọn tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc nếu tham gia hoạt động tình nguyện từ 03 tháng trở lên. Trường hợp tham gia nhiều hoạt động tình nguyện theo đợt thì được cộng dồn thời gian tham gia hoạt động tình nguyện.
Kim Loan