Hướng dẫn thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu một số hàng hóa
Ảnh minh họa.
Dự thảo Thông tư này hướng dẫn thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành quy định tại khoản 2, 3 Điều 4 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ, gồm: 1- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc Danh mục phải kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm dịch thủy sản trước khi thông quan do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. 2- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc Danh mục phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan do các Bộ, cơ quan ngang Bộ công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.
Theo dự thảo, thủ tục xuất khẩu hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành ngoài việc thực hiện theo quy định chung về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu thương mại quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, phải thực hiện các quy định sau đây: Hàng hóa thuộc Danh mục phải kiểm tra chuyên ngành xuất khẩu đi các nước có yêu cầu kiểm tra chuyên ngành: người khai hải quan phải nộp cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, hoặc chậm nhất trước khi hàng hóa thực xuất khẩu ra nước ngoài.
Nếu hàng hóa thuộc Danh mục phải kiểm tra chuyên ngành xuất khẩu đi các nước không có yêu cầu phải kiểm tra chuyên ngành: người khai hải quan không phải nộp hoặc xuất trình giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan hải quan.
Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành, cập nhật thông tin các nước có yêu cầu kiểm tra chuyên ngành để đưa vào hệ thống phân luồng hàng hóa nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu đi các nước có yêu cầu kiểm tra chuyên ngành.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng nêu rõ thủ tục nhập khẩu hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
Trong đó, đáng chú ý đối với ô tô, xe 2 bánh gắn máy, xe máy chuyên dùng, thang nâng người, máy móc thiết bị, Bộ Tài chính hướng dẫn: Người khai hải quan chịu trách nhiệm việc làm thủ tục đưa hàng về kho, bãi bảo quản đã đăng ký với cơ quan hải quan và chịu trách nhiệm về tính nguyên trạng của hàng hóa nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất việc bảo quản hàng hóa của người khai hải quan, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
Khi có thông báo kết quả kiểm tra đạt yêu cầu nhập khẩu thì người khai hải quan nộp cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục nhập khẩu để được xác nhận thông quan hàng hóa theo quy định. Thời gian nộp thông báo kết quả kiểm tra không quá 30 ngày kể từ ngày hàng được đưa về kho, bãi bảo quản. Trường hợp phải kéo dài thời gian trên 30 ngày thì người khai hải quan phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, và được gia hạn thêm không quá 30 ngày nữa.
Theo chinhphu.vn