A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Bình Định sơ kết 01 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Cổng Dịch vụ công quốc gia

(binhdinh.gov.vn) - Theo đánh giá của UBND tỉnh tại Báo cáo số 218/BC-UBND ngày 30/11/2020, sau 01 thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỉnh Bình Định đã đạt được một số kết quả tích cực.

Giao diện Cổng Dịch vụ công quốc gia

Theo đó, tỉnh đã tích hợp 183 dịch vụ công trong tổng số danh mục 272 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 67%), vượt chỉ tiêu 30%” được Chính phủ quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020; hoàn thành việc kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp, phục vụ hiệu quả cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục “Cấp phiếu lý lịch tư pháp” đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Kể từ khi hoàn thành việc kết nối Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia (ngày 09/12/2019) đến ngày 24/11/2020, tỉnh Bình Định đã tiếp nhận và giải quyết 3.562 hồ sơ nộp từ Cổng Dịch vụ công quốc gia; trong đó, các dịch vụ công phát sinh nhiều hồ sơ giao dịch gồm: “Thông báo hoạt động khuyến mại”: 2.092 hồ sơ, “Thông báo sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại”: 131 hồ sơ, “Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam”: 130 hồ sơ.

Đối với việc cung cấp dịch “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 24/11/2020, UBND các xã, phường, thị trấn và Phòng tư cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết và cung cấp 3.657 bản chứng thực điện tử. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến có thành phần hồ sơ được chứng thực điện tử như: UBND các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và thành phố Quy Nhơn (đối với nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế của hộ kinh doanh”), Sở Tư pháp (đối với thủ tục hành chính “Cấp phiếu lý lịch tư pháp”)...

Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp Nền tảng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo cho việc thanh toán phí, lệ phí trực tuyến đối với các thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Hoàn thành việc kết nối với các phần mềm chuyên ngành của Trung ương để chuẩn bị triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai cho hộ gia đình, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Có được những kết quả nêu trên là nhờ UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các quy định của địa phương, trong đó quan trọng là “Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Định” và “Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; chú trọng giải pháp đẩy mạnh tích hợp, kết nối Hệ thống thông tin một cửa điện tử với các phần mềm chuyên ngành của Trung ương để phục vụ hiệu quả cho công tác thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức điện tử. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Theo đó, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động, tích cực đề ra giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự giác của doanh nghiệp, người dân dẫn đến số lượng giao dịch hồ sơ trực tuyến phát sinh rất thấp, không đảm bảo theo quy định.

Ngoài ra, một số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hiện hành của tỉnh không đáp ứng theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ, như: thành phần hồ sơ dung lượng lớn hơn mức dung lượng cho phép của hệ thống; hồ sơ giấy tờ quy định phải kiểm tra, đối chiếu trực tiếp hoặc nộp bản gốc; quy trình giải quyết quy định phải qua công tác kiểm tra thực tế…, do đó không đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, Văn phòng Chính phủ từ chối tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sau quá trình kiểm thử.

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó đáng chú ý là việc chỉ đạo nâng cao chất lượng của công tác thử nghiệm, công bố và quản lý dữ liệu danh mục dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và danh mục dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đẩy mạnh việc tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính làm cơ sở cho việc mở rộng số lượng thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Phát huy hiệu quả của dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính”, chấn chỉnh các địa phương cấp huyện có số lượng hồ sơ giao dịch thấp. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát và thực hiện nghiêm túc quy định tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có sử dụng kết quả bản sao chứng thực điện tử. Gắn công tác đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến với xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương./.

Lê Dũng Linh


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật