|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai nhiệm vụ năm 2023

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 13/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng.

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Năm 2022, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Sản xuất nông nghiệp cả nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì ổn định, phát triển và tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tăng 3,36% so với cùng kỳ; xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo và nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác với tổng kim ngạch hơn 53 tỉ USD. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tăng 19,8%, xây dựng 1.666 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, đã có hơn 208.000 doanh nghiệp được thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng hơn 30% so với cùng kỳ, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. 

Về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay, cả nước có hơn 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 255 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn NTM; 05 tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng NTM. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, quán triệt và triển khai kịp thời, quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp, các địa phương; đặc biệt là quyết tâm vượt khó, đổi mới sáng tạo của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước trong năm qua. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2023, ngành Nông nghiệp cả nước phải phấn đấu tăng trưởng khoảng 3,5%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải phấn đấu đạt từ 55 tỷ USD trở lên; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; 280 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn 60%.... Để đạt được các chỉ tiêu đó, Bộ NN&PTNT và toàn ngành phải tự tin bản lĩnh, và linh hoạt, chủ động nắm bắt tình hình, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, có giải pháp đột phá để triển khai thực hiện; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; đẩy mạnh xây dựng NTM và thực hiện Chương trình OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá chất lượng cao theo lợi thế của vùng; đồng thời tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế; tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới; đồng thời coi trọng thị trường nội địa.

Thủ tướng lưu ý, ngành cần phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ “Thẻ vàng” trong năm 2023; đồng thời tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; chủ động trong phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch - phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu; có giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới phát triển nông nghiệp hàng hóa. Thủ tướng tin rằng, ngành Nông nghiệp trong thời gian tới sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn với mục tiêu xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”./.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật