|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với huyện Hoài Ân về tình hình KT-XH 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 30/9, tại huyện Hoài Ân, đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Hoài Ân về tình hình KT-XH 9 tháng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm. Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Thanh Hải – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của huyện Hoài Ân, 9 tháng qua, kết quả đáng mừng nhất ở huyện trung du miền núi này là sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển; năng suất các loại cây trồng tăng khá, nhất là cây lúa; Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, nhất là một số công trình trọng điểm chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện nhà; thu ngân sách đạt khá; Các hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống người dân cơ bản ổn định; Quốc phòng an ninh được giữ vững; Hệ thống chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu quả. 

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kết quả nổi bật là năng suất lúa bình quân đạt 71,6 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt trên 63.267 tấn, tăng 2%, tương ứng tăng 1.224 tấn so với cùng kỳ. Đáng chú ý là Hoài Ân đã thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Đề án phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn huyện có trên 1.382 ha cây ăn quả, tập trung vào các loại cây trồng có thế mạnh: Bưởi da xanh 315 ha, đã cho sản phẩm trên 150 ha; Cam, quýt hơn 58 ha, trong đó, sản phẩm bưởi da xanh và dừa xiêm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân (lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha/năm), tính từ năm thứ 5 trở đi.

Về chăn nuôi, toàn huyện có 05 Trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn áp dụng công nghệ cao và 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ. Hiện nay, tổng đàn heo đạt trên 238.000 con, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Với phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo chất lượng đàn heo, huyện đã xây dựng được nhãn hiệu Heo Hoài Ân. Trong khi đó, toàn huyện cũng có đàn bò 23.180 con, tăng 11,2%; đàn trâu gần 2.100 con; đàn gia cầm 702.687 con, tăng 26,9% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải ảnh) thăm mô hình chăn nuôi heo công nghệ cao tại Trại heo Hải Đảo, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân.

Đi đôi với phát triển mạnh về chăn nuôi và trồng trọt, huyện đã thành lập nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới giúp bà con nông dân từng bước xây dựng chuỗi sản xuất và liên kết tiêu thụ nông sản. Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I được tổ chức thành công vào giữa năm 2022, đã góp phần quảng bá thương hiệu các loại nông sản chủ lực của Hoài Ân, tạo điều kiện cho sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. 

Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Hoài Ân, sau khi được đầu tư kinh phí thực hiện trong 2 năm qua, đã đem lại kết quả khả quan. Trên cơ sở này, huyện Hoài Ân đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện Đề án năm 2023, nhằm nâng cao thương hiệu các loại nông sản chủ lực của huyện, xây dựng Hoài Ân thành vựa cây ăn quả của tỉnh. Cũng với mục tiêu đó, huyện kiến nghị tỉnh hướng dẫn địa phương chuyển 47,4 ha đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Huyện cũng kiến nghị tỉnh cho chủ trương và hỗ trợ nguồn kinh phí để Hoài Ân chuyển đổi các Đài truyền thanh cơ sở sang Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Ngoài ra, huyện còn kiến nghị tỉnh sớm xác định đơn vị cung cấp xi măng để thực hiện Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương; và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Khúc phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo một số sở ngành của tỉnh đã trả lời về các kiến nghị của huyện Hoài Ân, ghi nhận nỗ lực của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng qua, đồng thời tham gia đóng góp về những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Hoài Ân trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 25 về “Tăng cường nâng cao hiệu quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025”, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; Tăng cường, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện; Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ; Đẩy mạnh các biện pháp thu ngân sách cho đầu tư, đảm bảo thu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đồng thời, tập trung giải ngân các nguồn vốn, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; thực hiện chính sách dân tộc và miền núi; Nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực Văn hóa - Xã hội; Tập trung xây dựng chính quyền, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, tuyên truyền phổ biến pháp luật; Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng qua của huyện Hoài Ân, và cho rằng nơi đây đang hội tụ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Để khai thác và phát huy đúng mức tiềm năng lợi thế của huyện trung du miền núi này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở ngành của tỉnh giúp Hoài Ân định hướng phát triển các lĩnh vực có thế mạnh; riêng lĩnh vực nông nghiệp phải xác định loại cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất; trước mắt là phát huy tối đa kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua; củng cố cái hiện có; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng và năng suất, từ đó mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường. Muốn vậy, các sở ngành chuyên môn cần giúp huyện quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi tập trung; hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ; khẩn trương thực hiện chuyển đổi số trong quản lý hoạt động sản xuất các trang trại; đồng thời hỗ trợ các HTX tuyên truyền quảng bá sản phẩm; xây dựng liên kết chuỗi, chủ động đầu ra nông sản cho bà con nông dân. Trong quá trình đó, cần đặc biệt chú ý công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là trên lĩnh vực chăn nuôi.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống người dân. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó chính quyền cơ sở có vai trò rất quan trọng vì gần dân, sát dân. Bởi vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Hoài Ân tăng cường xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh toàn diện, tổ chức thực hiện thành công các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên mỗi địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý huyện Hoài Ân phát huy kết quả thực hiện tốt công tác an sinh xã hội từ nay đến cuối năm.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã trả lời về một số kiến nghị của huyện Hoài Ân, trong đó khẳng định UBND tỉnh sẽ quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Hoài Ân sử dụng có hiệu quả nhất diện tích đất sản xuất, đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là đầu tư phát triển KT-XH 3 xã vùng cao; đồng thời hỗ trợ chuyển đổi Đài TT cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông trong thời gian tới./.    


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật