Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với huyện Vân Canh về tình hình KT-XH 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm
(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 15/10, tại huyện Vân Canh, đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Vân Canh về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, 9 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Vân Canh đã đạt được những kết quả tích cực, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo.
Tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.429 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ, đạt 76,7% kế hoạch năm; tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt 800 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ, đạt 77,4% kế hoạch; tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 509 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ, đạt 76% kế hoạch; tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 120 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ, đạt 75% so với kế hoạch; tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành nông lâm thuỷ sản - công nghiệp xây dựng - thương mại dịch vụ ước đạt 55,9% - 35,6% - 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ xã hội đạt 405 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ, đạt 72,8% kế hoạch; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 292 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ, đạt 70% kế hoạch...
Huyện Vân Canh xác định nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022 là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; quan tâm chú trọng công tác tiêm phòng vắc xin và phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút các nhà đầu tư và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản. Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Vân Canh đã kiến nghị UBND tỉnh một số vấn đề như: quan tâm, đầu tư mạng lưới cấp nước sinh hoạt đến thị trấn Vân Canh; triển khai xây dựng bờ Kè dọc hai bên bờ sông Hà Thanh để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống người dân; sớm đầu tư mở rộng tuyến Quốc lộ 19C đoạn qua địa bàn thị trấn Vân Canh; cũng như tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện tuyến đường phía Tây huyện…
Đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới huyện Vân Canh cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, tập trung đổi mới lề lối làm việc; vận động, hướng dẫn người dân cách thức sản xuất và mua bán sản phẩm nông nghiệp; chăm lo tốt hơn đời sống của người dân; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Động viên người dân tăng cường sản xuất, doanh nghiệp tăng cường công suất trong 3 tháng cuối năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị huyện Vân Canh đẩy mạnh cải cách hành chính và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; phối hợp, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Ông nhấn mạnh huyện cần chú trọng tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ rừng để đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vân Canh là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn lưu ý UBND huyện cần chú trọng đến các vấn đề: đảm bảo an sinh xã hội, công tác y tế; chăm lo tốt đời sống, để bà con yên tâm lao động, sản xuất.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt. Sở Thông tin và Truyền thông có phương án thực hiện việc chuyển đổi số tại các địa phương và các cấp chính quyền; đồng thời hỗ trợ đào tạo và ứng dụng chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp. Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ vào tình hình phát triển của các huyện, thị xã, thành phố để có kế hoạch điều động nhân sự đến các địa phương nhằm giải quyết vướng mắc, đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội./.