|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khảo sát dự án thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng điện tái tạo

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 24/8, Đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Lê Quang Huy - Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế tại một số công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh. Cùng đi với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng và Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh.

Đoàn giám sát kiểm tra dự án nâng cấp hệ thống đê Đông và trồng rừng ngập mặn tại cầu Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn

Các dự án được khảo sát gồm: Nhà máy Điện gió Nhơn Hội 1 và Nhà máy Điện gió Nhơn Hội 2 (xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, TP Quy Nhơn); Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát và xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) và Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 (xã Cát Chánh và thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát); Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ (xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ).

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện một số đơn vị cho biết: Thời gian qua, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các đơn vị chú trọng triển khai như: xây dựng phương án phòng chống thiên tai sẵn sàng ứng phó trước các hiện tượng khí hậu cực đoan; cân nhắc các yếu tố và thông số khí tượng thủy văn trong quá trình thiết kế và xây dựng công trình của dự án. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn cho thấy một số khó khăn, vướng mắc như: nguồn lực tài chính cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế và phân tán từ nhiều nguồn, cơ chế phân bổ vốn còn nhiều bất cập, nên việc triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu còn chậm….

Đối với Nhà máy Điện gió Nhơn Hội 1 và Nhà máy Điện gió Nhơn Hội 2 có tổng công suất 60 MW, gồm 12 trụ turbine gió, mỗi trụ có công suất 5 MW. Dự án chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có 6 trụ turbine gió. Giai đoạn 1 của dự án đã phát điện thương mại với công suất 30 MW. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của dự án đã hoàn thành toàn bộ khối lượng xây dựng, lắp đặt thiết bị và đã hòa lưới nhưng chưa đưa vào vận hành phát điện thương mại.

Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 có tổng công suất 26,4 MW, gồm 12 trụ turbine gió. Đến nay, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Trước đó, Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 do Công ty CP Phong điện miền Trung làm chủ đầu tư, tổng công suất 21 MV đã vận hành thương mại từ tháng 3/2020. Là dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, phát điện lên lưới điện quốc gia với sản lượng hơn 70 triệu kWh/năm.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc

Đối với Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ được xây dựng trên quy mô 325 ha, tổng công suất thiết kế là 330 MW. Đến nay, Nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào vận hành thương mại vào tháng 12/2020. Giai đoạn 2 của dự án đã hoàn thành xây dựng trong quý I/2022, nhưng hiện chưa được Bộ Công Thương cấp Giấy phép hoạt động điện lực và đưa vào vận hành thương mại. Do vậy, công ty mong muốn đoàn giám sát kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành chính sách về thu mua giá điện và Bộ Công Thương sớm hướng dẫn, cấp Giấy phép hoạt động điện lực, để các dự án sớm đi vào vận hành.

Thông tin với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Bình Định là địa phương có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Cùng với việc nâng cao khả năng sử dụng và tiết kiệm năng lượng, tỉnh rất quan tâm đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Đề xuất với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian tới có sự quan tâm, hỗ trợ tỉnh nhiều hơn nữa về công tác ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như xem xét có điều chỉnh hợp lý hơn về cơ chế đất đai để việc sử dụng quỹ đất nền đối với những dự án năng lượng tái tạo phát huy được hết hiệu quả, góp phần cho sự phát triển  kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Đoàn giám sát kiểm tra đập ngăn mặn trên sông Lại Giang, thị xã Hoài Nhơn.

Qua khảo sát thực tế, Đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bình Định đã đạt được trong việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khi hậu. Đồng thời đề nghị thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, có các quy định mang tính dài hạn hơn về công tác biến đổi khí hậu; cũng như cần rà soát lại các chương trình, đảm bảo việc lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Trong đó, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cần được xây dựng trên cơ sở mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xem xét diễn biến các yếu tố trong kịch bản biến đổi khí hậu đã được công bố và phải tính toán chi phí, lợi ích của các giải pháp đối với từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính hiệu quả. Đoàn Giám sát cũng lưu ý tỉnh cần lưu ý đến những vấn đề về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tín chỉ carbon và việc tái chế pin đã qua thời gian sử dụng, để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường về lâu dài.

Cùng ngày, Đoàn giám sát đã đi kiểm tra dự án nâng cấp hệ thống đê Đông và trồng rừng ngập mặn tại cầu Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn; và đập ngăn mặn trên sông Lại Giang, thị xã Hoài Nhơn./.

 

 


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật