|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 22/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (giữa) chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Công nghiệp Văn hóa bao gồm các lĩnh vực điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, phát thanh, truyền hình, phần mềm, các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế trong phát triển Công nghiệp Văn hóa, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhận diện thời cơ, thách thức của Công nghiệp Văn hóa Việt Nam; kinh nghiệm của các nước; đề xuất những giải pháp phát triển Công nghiệp Văn hóa trong thời gian tới.

Hội nghị đánh giá, Công nghiệp Văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong giai đoạn năm 2018-2022, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp Văn hóa ước bình quân đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Tuy nhiên, các ngành Công nghiệp Văn hóa còn những khó khăn, hạn chế như chưa có khung pháp lý, cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển Công nghiệp Văn hóa; nguồn lực đầu tư còn dàn trải; nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của ngành Công nghiệp Văn hóa chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa; tình trạng vi phạm bản quyền…

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Phát biểu kết luận hội nghị, nhắc lại nội dung các nghị quyết, chiến lược liên quan phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Công nghiệp Văn hóa Việt Nam bước đầu phát triển và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, một số lĩnh vực dần vươn lên trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định: Điều kiện, không gian phát triển công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp xu thế thời đại, tiến bộ của nhân loại là không có giới hạn. Các ngành công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thủ tướng chỉ rõ 6 quan điểm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp – Lành mạnh - Cạnh tranh – Bền vững", trên nền tảng "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" theo Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943), từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển Công nghiệp Văn hóa phải góp phần quan trọng xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội.

Chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là: Các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo trên địa bàn; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm….


Tác giả: Trang Lê

Tin nổi bật Tin nổi bật