Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số năm 2023
(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 5/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực truyến về chuyển đổi số tỉnh Bình Định để triển khai các nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện trong năm 2023 và trao đổi thảo luận những nội dung các sở, ngành, địa phương quan tâm về công tác chuyển đổi số.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ đạo CĐS tỉnh; Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CĐS tỉnh; Trần Kim Kha - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh. Tham dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo CĐS tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, DN viễn thông, công nghệ số.
Quang cảnh hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, chỉ số đánh giá CĐS của tỉnh (DTI) đã được cải thiện đáng kể (năm 2021 xếp thứ 34/63). Nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; bước đầu triển khai các ứng dụng, xây dựng chính quyền điện tử; đã xây dựng được 13 cơ sở dữ liệu liên ngành; hạ tầng chuyển đổi số đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đến nay, đã xây dựng, thiết lập nhiều ứng dụng dùng chung toàn tỉnh, như: Văn phòng điện tử, một cửa điện tử, các ứng dụng tài chính, dịch vụ công trực tuyến, hội nghị trực tuyến, thư điện tử công vụ...
Tuy nhiên, nhiệm vụ triển khai thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh còn tồn tại, hạn chế, đặc biệt là các ứng dụng chủ yếu có quy mô nhỏ, rời rạc; dữ liệu phân tán, thiếu chia sẻ; kinh phí chi CĐS còn thấp; hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã chưa hoàn thiện,…
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, báo cáo tại hội nghị
Chủ đề CĐS năm 2023: “Năm dữ liệu số”, do vậy nhiệm vụ CĐS trong năm cấp tỉnh là tập trung ưu tiên triển khai nền tảng số trên diện rộng; tập trung các lĩnh vực ưu tiên; dữ liệu là yếu tố cốt lõi, “đúng, đủ, sạch, sống”; ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin; duy trì các hệ thống sẵn có, tận dụng dữ liệu; cung cấp dashboard và dữ liệu số; chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống qua API; cổng đăng nhập ứng dụng duy nhất; tích hợp đăng nhập đơn (SSO) cho các ứng dụng…
Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ CĐS trong năm 2023, Ban chỉ đạo CĐS tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ CĐS, gồm: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, an toàn thông tin mạng, nhận lực số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, đề ra 30 nhóm nhiệm vụ về nền tảng số - chính phủ số - dữ liệu số. Đó là các hệ thống: quản lý đất đai, quản lý khoáng sản, camera giám sát khoáng sản, quản lý thông tin trường học, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, công việc, thông tin báo cáo, cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, quản lý ngành tài chính, các nền tảng chuyên ngành y tế và hệ thống EMR, bản đồ số dùng chung, thông tin phòng chống thiên tai, phòng họp không giấy, xây dựng kho dữ liệu số tỉnh…
Về nhận thức số - thể chế số có 9 nhóm nhiệm vụ, như: Tổ chức hội nghị quán triệt CĐS, duy trì các chuyên trang - chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền CĐS, sử dụng hệ thống thông tin nguồn, tuyên truyền trên mạng xã hội, ban hành bộ chỉ số DTI, IOC…
Đại diện các DN viễn thông, công nghệ số trình bày tham luận tại hội nghị
Với hạ tầng số - nhân lực số có 8 nhiệm vụ chính, đó là phủ sóng băng rộng ở các vùng lõm, thí điểm triển khai 5G, bồi dưỡng trực tuyến về CĐS cho cấp xã, bồi dưỡng chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách, kỹ năng sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho người dân…
Về an toàn thông tin mạng có 6 nhóm nhiệm vụ, gồm: Duy trì hoạt động của SOC, kiểm tra, đánh giá an toàn thông minh mạng, tập huấn an toàn thông tin, diễn tập thực chiến, tuyên truyền về an toàn thông tin mạng, phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin.
Đối với kinh tế số, xã hội số bao gồm 6 nhiệm vụ, là hỗ trợ SME CĐS, tài khoản thanh toán điện tử đạt 35%, tổ công nghệ số thanh niên, dịch vụ công thông tin toàn trình (100% thủ tục hành chính đủ điều kiện), 1.500 người làm việc tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, kinh tế số (15%, GRDP 30%, SME sử dụng nền tảng số).
Ông Lương Đình Tiên - Chủ tịch UBND huyện Vân Canh tham gia thảo luận tại hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện các DN viễn thông, công nghệ số trình bày các tham luận về các chủ đề, như: Kho dữ liệu số; về giải pháp Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - Viễn thông và Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh; hệ thống theo dõi giao thông và xử lý vi phạm tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận, phân tích rõ hơn về những kết quả, khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số và đề xuất phương hướng, giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (giữa) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Năm 2023 là “Năm quốc gia về dữ liệu số”, là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cấp, các ngành; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới hình thành công dân số, xã hội số.
Do đó, để chuyển đổi số thực sự là động lực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải tiếp tục xác định CĐS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của người đứng đầu là đặc biệt quan trọng, người đứng đầu phải quyết tâm, hành động và nhận thức cao hơn nữa. Phải nắm được nội dung triển khai; ứng dụng và sử dụng hệ thống; buộc nhân viên cấp dưới phải sử dụng và quyết định về kinh phí, bố trí kinh phí.
Về nhận thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, các DN viễn thông, công nghệ phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nhất là thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng. Các hoạt động ứng dụng, sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin phải được lồng ghép với công tác đào tạo một cách hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phải định hướng cho toàn tỉnh. Các DN hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phải vào cuộc để hoàn thiện toàn bộ hạ tầng (đường truyền, trang thiết bị, hệ thống truyền dẫn kết nối…). Về nền tảng số thì tập trung tại tỉnh, nhưng phải tập trung vấn đề làm số hóa, xây dựng dữ liệu, đặc biệt các địa phương phải tập trung cập nhật dữ liệu để đảm bảo đúng tần suất.
Về dữ liệu, đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phải làm tập trung, sớm xây dựng kho dữ liệu. Từ đó, có kế hoạch phân chia, phân giao để các đơn vị, địa phương sử dụng, triển khai. Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh lưu ý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay đóng vai trò như “trái tim của trái tim” để bám sát, triển khai và sử dụng khoa học.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác CĐS, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố phải luôn xác định, CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, phải tập trung mạnh mẽ hơn nữa, tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động toàn dân, xã hội, doanh nghiệp tham gia công tác CĐS một cách chủ động, tích cực, thực chất, hiệu quả. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 5, Ủy ban Quốc gia về CĐS, gắn chặt chẽ việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ với công tác CĐS.
Về dịch vụ hành chính công, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương hiện nay Trung tâm hành chính công tỉnh đang triển khai theo Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thời gian đến, tỉnh sẽ nghiên cứu, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ hành chính công, trước mắt là hành chính công cấp huyện cho tổ chức ngoài nhà nước thực hiện; nếu thực hiện tốt việc này sẽ góp phần huy động các nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công; đồng thời góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Về loa truyền thanh, tập trung làm theo định hướng công nghệ, có chuẩn chỉnh về mặt công nghệ, dự kiến mức giá cụ thể giúp các địa phương triển khai đấu thầu. Đoàn viên thanh viên là lực lượng nòng cốt triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng. Tỉnh có định hướng phát triển DN công nghệ số, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn mong muốn các DN viễn thông, công nghệ số chủ lực hỗ trợ, “truyền cảm hứng” cho các DN trong tỉnh phát triển. Ban chỉ đạo CĐS tỉnh hàng tháng tổ chức họp rà soát và đánh giá tiến độ và tình hình triển khai các nhiệm vụ CĐS ở các sở, ngành, địa phương.