|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nông nghiệp và PTNT

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác của ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bình Định

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2021, ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra; tổng sản lượng lương thực đạt gần 44 triệu tấn. Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.

Năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 2,8 - 2,9%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 2,9 - 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD; Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%.

Báo cáo tại hội nghị về những kết quả Bình Định đạt được trong năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Năm 2021, trong điều kiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19, dịch bệnh viêm da nổi cục lần đầu tiên xuất hiện trên trâu bò và mưa lũ lớn xảy ra cuối năm, nhưng các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm. Đáng chủ ý, tổng sản phẩm địa phương GRDP năm 2021 tăng 4,1% so với năm 2020, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,94%, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,1%. Có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 84 xã/113 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ trước đến nay. Có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/11 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, Bình Định đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,2% – 3,4%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tham luận tại hội nghị

Để đạt mục tiêu đề ra năm 2022 cũng như những năm tiếp theo, cùng với nỗ lực của tỉnh, thay mặt UBND tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có trâu bò bị chết, tiêu hủy do dịch bệnh viêm da nổi cục để địa phương có cơ sở chi hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục, phát triển sản xuất. Đồng thời kiến nghị Bộ NN và PTNT xem xét, sớm có ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp với Cảng cá tại Tam Quan từ Cảng cá loại II qua nhóm Cảng cá loại I. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho địa phương thực hiện 2 Dự án: Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp với Cảng cá Tam Quan và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đầm Đề Gi kết hợp với Cảng cá Đề Gi. Nghiên cứu nâng cấp hồ chứa nước Định Bình thêm 150 triệu m3; nâng cấp hồ chứa nước Núi Một thêm 40 triệu m3 để đảm bảo dung tích phòng tránh lũ. Xây dựng mới hồ chứa nước Suối Lớn trên lưu vực sông Hà Thanh với dung tích khoảng 20 triệu m3 để cắt lũ, giảm lũ cho thành phố Quy Nhơn và các vùng phụ cận.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp trong năm 2021, đồng thời lưu ý trong năm 2022, ngành Nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời để tổ chức thực hiện có hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Về mục tiêu năm 2022 Thủ tướng yêu cầu cần đặt ra mục tiêu cao hơn năm trước: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 3%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 50 tỷ USD. Bên cạnh đó, bám sát tình tình thực tế để cụ thể hóa đường lối, chính sách, chủ trương về nông nghiệp, sau đó xác định trọng tâm, trọng điểm cụ thể và có lộ trình thực hiện. Ngành Nông nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với dự báo thị trường cũng như tình hình liên quan để phát triển, xây dựng chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát huy bản sắc văn hóa vùng miền, đồng thời phát triển du lịch nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn./.  

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật