|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãnh đạo tỉnh dự họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão RAI

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 17/12, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành và 28 tỉnh, thành phố để triển khai công tác ứng phó với bão RAI. Tại điểm cầu Bình Định, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai –TKCN và PTDS tỉnh dự và chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến các điểm cầu với Chính phủ

Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết cuối năm thường ít khi có bão, nhất là khi vào mùa rét. Cơn bão Rai theo dự báo rất mạnh, người dân hay gọi bão cuối mùa, dễ gây tâm lý chủ quan của bà con, nhất là người dân ở vùng biển.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết đến 12h trưa nay, bộ đội biên phòng cùng các địa phương đã thông báo, kiểm đếm cho 44.915 tàu/242.484 lao động của các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Hiện còn 273 tàu với hơn 2.031 người hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Trường Sa. Các phương tiện đã nắm được thông tin di chuyển về nơi tránh trú trên các đảo hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Về phương án sơ tán dân, ông Hoài cho biết để ứng phó bão, các địa phương trong khu vực dự kiến kế hoạch sơ tán đảm bảo an toàn cho 51.032 hộ với 238.345 người tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, khu vực ven biển và đã có phương án đảm bảo an toàn.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai –TKCN và PTDS tỉnh báo cáo tại cuộc họp 

Báo cáo với Chính phủ tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai –TKCN và PTDS tỉnh cho biết, hiện tỉnh Bình Định có 186 tàu/1.340 lao động trên biển, trong đó có 27 tàu trong vùng ảnh hưởng của bão RAI, hiện cơ bản các tàu đã di chuyển neo đậu tại khu vực an toàn vùng đảo Trường Sa, 11 tàu di chuyển vào bờ. Bắt đầu 17 giờ chiều nay (17/12), tỉnh Bình Định thực hiện cấm biển và tiếp tục thông tin, kêu gọi tàu thuyền còn trên biển di chuyển tránh vùng nguy hiểm. Hơn 2.400 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được khuyến cáo đưa lồng bè vào nơi an toàn và không để người ở lại trên lồng bè nếu bão vào địa phận tỉnh. Sau các đợt mưa lũ, toàn tỉnh có 35 điểm có nguy cơ sạt lở cao, tỉnh đã yêu cầu các địa phương cảnh báo và có phương án di dời ở khu vực này và các vùng triều cường, trũng thấp. Tỉnh cũng đã tạm dừng gieo sạ vụ Đông Xuân.

Hiện tỉnh Bình Định tiếp tục theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời cho nhân dân nắm bắt diễn biến của bão, chủ động các biện pháp ứng phó với bão lũ theo phương châm 4 tại chỗ. Các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã đầy nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành xả điều tiết kịp thời theo diễn biến của bão lũ.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá rất cao công tác chuẩn bị ứng phó với bão RAI của các các bộ, ban, ngành, địa phương; trong đó, tỉnh Bình Định làm rất tốt. Đồng thời, nhấn mạnh đây là cơn bão muộn bất thường, dự báo bão mạnh cấp 12 giật cấp 15, thời tiết lạnh mùa đông khiến hướng di chuyển bão đang khó dự đoán... Do đó, từ Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, cần phải phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, sẵn sàng ứng phó hỗ trợ tàu thuyền, ngư dân ngoài biển; người dân trong đất liền. Chủ động phương án đảm bảo an toàn hồ, đập, đê điều, các nơi có khả năng sạt lở...Qua đó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó với bão RAI trên địa bàn tỉnh

* Ngay sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với bão RAI trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao cho chính quyền các địa phương nắm rõ hoạt động của 186 tàu còn hoạt động trên biển, phối hợp cùng gia đình kêu gọi tàu di chuyển, neo đậu ở vùng an toàn. Các địa phương không được chủ quan, lơ là, chủ động rà soát lại phương án 4 tại chỗ, kịch bản di dời dân, trong đó chú ý thực hiện di dời xen ghép tại chỗ. Các ngành chức năng liên quan phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ nhân dân, nếu bão đổ bộ vào tỉnh.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật