A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 18/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 và Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số Việt Nam. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành, địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các công tác để tạo ra sự thay đổi cơ bản về dữ liệu Việt Nam vì tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu chính là thay đổi căn bản của chuyển đổi số.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2022, kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục. Các chính sách hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt và hiệu quả. Khu vực sản xuất trong nước, các thị trường đối tác lớn của Việt Nam phục hồi, tăng trưởng; các doanh nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hóa toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ “vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”. Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ sau dịch bệnh Covid-19.

Tiếp nối các thành tích đã đạt được, năm 2022, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đã đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ. Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. Truyền thông, báo chí đã góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.

Năm 2022, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021. Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành TT&TT (tính theo doanh thu) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất 6,7% so với năm 2021.

Thủ tướng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cở truyền thống của Bộ Thông tin và Truyền thông- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dịp này, Bộ TT&TT đã được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhất” với thành tích xuất sắc đột xuất trong xây dựng và triển khai thực hiện Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây chính là nguồn cổ vũ to lớn cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác và cống hiến cho sự nghiệp phát triển Ngành tiếp tục hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao trong giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng yêu cầu tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết năm 2022, đất nước ta đã đạt nhiều kết quả khả quan, tích cực, đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những điểm cần cố gắng hơn nữa của ngành thông tin và truyền thông như: nhận thức và tổ chức thực hiện công tác truyền thông chưa thực sự ngang tầm, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn; chuyển đổi số dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa tạo được sự đột phá về nhận thức, hành động và sản phẩm cụ thể; việc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế,…

Thủ tướng nhấn mạnh năm 2023 được dự báo sẽ có những khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều thời cơ thuận lợi hơn, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Thủ tướng nhấn mạnh Bộ và ngành thông tin và truyền thông cần chủ động, tích cực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được giao.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Thông tin và Truyền thông và ngành điện lực tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới,  hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông; Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; Đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; Tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp,…

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi chung tay chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số toàn diện, được hưởng thụ thành quả chuyển đổi số. Đổi mới sáng tạo là do con người, đổi mới sáng tạo phải tập trung vào chuyển đổi số và phải có hạ tầng, con người và kết nối./.


Tác giả: Đậu Thuỳ Dương

Tin nổi bật Tin nổi bật