A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò của Ban Dân tộc trong tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 16/12, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Ban Dân tộc về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban trong năm 2022 và nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2023 (ảnh).

Theo báo cáo của Ban Dân tộc, toàn tỉnh hiện có 11.346 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 41.734 người, chiếm khoảng 2,52% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện. Trong 39 DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh, có 03 dân tộc chính là: Bana (chiếm 51,8%), H’rê (chiếm 26,6%), Chăm (chiếm 15,2 %). Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS (so với số hộ đồng bào DTTS) cuối năm 2021 chiếm tỷ lệ 60,8%.

Trong năm 2022, Ban Dân tộc đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và các địa phương liên quan nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, đời sống, tâm tư nguyện vọng trong vùng đồng bào DTTS; đồng thời, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho đồng bào trong việc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, đến nay, Ban Dân tộc đã thực hiện và giải ngân gần 2,75 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao các chương trình, chính sách dân tộc như: chính sách cấp muối i-ốt cho hộ đồng bào DTTS năm 2022 tại huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025” tỉnh Bình Định năm 2022; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các DTTS giai đoạn 2015-2025” năm 2022; bồi dưỡng kiến thức dân tộc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, một số chương trình, chính sách dự kiến đến 31/12/2022 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch giao như: Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; tập huấn chuyên ngành công tác dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Dân tộc cho biết, trong năm 2022, việc tổ chức, triển khai và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, của các huyện còn chậm. Một số nội dung tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa được các bộ, ngành trung ương hướng dẫn nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Chương trình.

Năm 2023, Ban Dân tộc xác định tập trung tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành lồng ghép các Chương trình MTQG, các dự án khác trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện tốt các chính sách khác cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Nhân dịp này, Ban Dân tộc đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung biên chế để Ban triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; cũng như quan tâm, sớm bố trí trụ sở làm việc cho Ban Dân tộc. Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc kiến nghị Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh; ban hành các quy định trong tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù; quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo quy định của Chính phủ...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh vai trò của Ban Dân tộc trong việc thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu Ban Dân tộc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của Ban, tổ chức, sắp xếp, bố trí lại nhân sự nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào DTTS, trong đó, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng công tác đào tạo cho học sinh DTTS; rà soát tất cả các chính sách đầu tư, phát triển chất lượng giáo dục - đào tạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, đề xuất giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho đối tượng này; định hướng và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS trong quá trình đào tạo nghề. Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời, định hướng chọn giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả cho đồng bào DTTS. Rà soát, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ trực tiếp cũng như lâu dài cho đồng bào DTTS và miền núi như: hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ giảm nghèo bền vững...

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu Ban Dân tộc xây dựng kế hoạch hoạt động tổng thể trong 3 năm tới của Ban; xây dựng danh mục dự án cần đầu tư ở từng địa phương và kế hoạch sử dụng ngân sách Trung ương, ngân sách cấp tỉnh thực hiện các chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; triển khai thực hiện có hiệu quả danh mục dự án đã được xây dựng. Tăng cường kiểm tra, giám sát và đề xuất kịp thời các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả, tiết kiệm, lâu dài các chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh, các sở, ban, ngành phối hợp, hỗ trợ để Ban Dân tộc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật