Tổ chức thực hiện hiệu quả giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản trong năm 2023
Chiều 20.2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) chủ trì hội nghị công bố, triển khai Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ 4.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo IUU tỉnh, chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Theo Bộ NN&PTNT, ngày 13.2.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 4”. Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản; khắc phục các bất cập, hạn chế theo khuyến nghị của EC và chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” trong năm 2023. Theo Kế hoạch, đến tháng 5.2023, rà soát, thống kê số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Tại hội nghị, các địa phương, bộ, ban, ngành liên quan trao đổi, thảo luận các vấn đề vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh Bình Định gặp một số khó khăn trong thực hiện ngăn chặn vi phạm IUU, tình trạng tàu cá vi phạm vẫn diễn ra, do: Hệ thống giám sát tàu cá, thiết bị giám sát hành trình chưa ổn định; việc điều tra, xử lý tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa kịp thời, chưa đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. Đầu năm 2023, tỉnh Bình Định có 3 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Tỉnh đã nghiêm túc nhận khuyết điểm, đồng thời đang khẩn trương thực hiện các giải pháp ngăn chặn IUU, tổ chức thực hiện từ tỉnh tới các địa phương; xử lý mạnh các trường hợp vi phạm để răn đe. Với các tàu cá vi phạm bị bắt giữ, trong đó 1 tàu cá của Hoài Nhơn, qua xác định ở vùng biển được phép khai thác của Việt Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Ngoại vụ có văn bản báo cáo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để có biện pháp can thiệp, triển khai các biện pháp bảo hộ ngư dân cần thiết, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và sớm có văn bản thông báo cho địa phương. Riêng các tàu còn lại là tàu dưới 15 m, xuất bến ở các địa phương khác, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Với nhóm tàu này, bên cạnh việc ký quy chế phối hợp liên tỉnh để kiểm soát, tỉnh Bình Định đề xuất việc rà soát và chuyển đổi tên chủ tàu, địa phương nếu đã bán cho ngư dân tỉnh khác, không cấp giấy phép khai thác, vận động xả bản tàu cũ và hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện Kế hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ. Các địa phương tập trung tối đa, khẩn trương thực hiện giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” trong năm 2023. “Việc gỡ “thẻ vàng” của EC là khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế, cam kết trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề hợp tác quốc tế. Để ngăn chăn vi phạm IUU, các địa phương phải chú trọng vào vấn đề tổ chức thực hiện. Chúng ta đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết nhưng tổ chức thực hiện là vấn đề mấu chốt để gỡ “thẻ vàng”. Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU luôn sát cánh với các địa phương với quyết tâm cao nhất để gỡ “thẻ vàng”, nhằm lấy lại lợi thế cho hải sản Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.