A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ thị về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch

Ngày 19/06/2012, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT- CTUBND về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015.

Để thực hiện mục tiêu Chiến lược Quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn trong giai đoạn tiếp theo, ngày 31/3/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 tại Quyết định số 366/QĐ-TTg với mục tiêu từng bước hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn. Để triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần xác định rõ tầm quan trọng của Chương trình, đưa mục tiêu của Chương trình là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; coi việc thực hiện thành công Chương trình là nhiệm vụ quan trọng góp phần thiết thực nâng cao sức khoẻ, cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn;

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cập nhật quy hoạch; xây dựng kế hoạch trung hạn Chương trình trong phạm vi toàn tỉnh trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, các dự án thành phần giai đoạn 2012-2015 theo tinh thần Quyết định 366/QĐ-TTg, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở thực hiện. Điều tra, đánh giá hiện trạng, hiệu quả hoạt động và quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung đã đầu tư, chú trọng các công trình cấp nước phân cấp cho huyện quản lý đầu tư, xã quản lý vận hành; đồng thời đề xuất giải pháp kịp thời đối với các công trình hoạt động kém hiệu quả, mô hình hoạt động không phù hợp với quyết định 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu, trình UBND tỉnh kiện toàn Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2012 - 2015. Gắn hoạt động của Ban điều hành với hoạt động xây dựng nông thôn mới để huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể. Tham mưu, trình UBND tỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2013 - 2015 trên cơ sở quy hoạch cấp nước và vệ sinh đến năm 2020 để triển khai thực hiện.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý thống nhất các nguồn lực; ngoài nguồn vốn Chương trình hỗ trợ, cần phải bố trí ngân sách tỉnh đối ứng, ngân sách huyện, thị xã, thành phố và huy động nhiều nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện Chương trình. Chủ động lồng ghép các Chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh; lựa chọn những dự án, hoạt động ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng huy động các nguồn lực của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để các nguồn lực đầu tư cho Chương trình được sử dụng đúng mục đích, đúng nội dung, đúng đối tượng, tránh thất thoát lãng phí. Đối với các huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách ưu đãi (theo Quyết định 134/QĐ-TTg, Quyết định 135/QĐ-TTg và Nghị quyết 30a/NQ-CP) cần phải ưu tiên sử dụng các nguồn vốn này để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, đổi mới công nghệ phục vụ tốt hơn cho đồng bào dân tộc. Thẩm định, trình duyệt các dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cần phải tuân thủ theo Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư liên tịch, các văn bản có liên quan đến Chương trình và các quy định hiện hành. Đặc biệt lưu ý đến một số vấn đề: (i) dự án được tiếp cận trên cơ sở nhu cầu của người dân; (ii) hồ sơ dự án phải được lập từ khâu khai thác nước, xử lý nước, cho đến cấp nước sạch vào hộ gia đình, dự án mang tính khả thi; (iii) bền vững về kỹ thuật và tài chính (thu phí nước đủ để bù chi); (iv) xác định mô hình quản lý vận hành phù hợp sau đầu tư, xây dựng kế hoạch đào tạo năng lực quản lý, vận hành. Đối với công trình cấp nước tập trung vùng đồng bào dân tộc: Chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý, cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí duy tu bảo dưỡng, đào tạo công nhân quản lý vận hành. Giao Sở Y tế rà soát số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà vệ sinh hoặc có mà chưa hợp vệ sinh, xây dựng kế hoạch 2013 - 2015 để có phương án hỗ trợ xây dựng.     Lập hồ sơ thiết kế, dự toán mẫu nhà vệ sinh hộ gia đình, trình UBND tỉnh quyết định để làm cơ sở xác định giá trị hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và cho vay tín dụng hộ thuộc đối tượng khác. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng, nhất là thói quen vệ sinh rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường. Thúc đẩy thực hiện mục tiêu vệ sinh hộ gia đình; cấp nước và vệ sinh cho trạm y tế. Thiết lập mạng lưới cộng tác viên mà nòng cốt là cán bộ y tế xã, các đoàn thể để thực hiện nhiệm vụ vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình ở cơ sở.

Yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát số liệu trường học, trường mẫu giáo chưa có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng kế hoạch 2013 - 2015 để có phương án hỗ trợ xây dựng. Lưu ý tập trung vào những điểm trường chính để đáp ứng được mục tiêu Chương trình. Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông trong toàn ngành giáo dục, giữ gìn vệ sinh trường học, sử dụng và bảo quản tốt khu vệ sinh của học sinh, Mỗi em học sinh là một tuyên truyền viên cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế), UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tham mưu cho UBND huyện về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn. Chỉ đạo các Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thực hiện đúng theo tỉnh thần Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư liên tịch và các văn bản có liên quan đến Chương trình để triển khai thực hiện đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh lãng phí. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá hiệu quả hoạt động và quản lý vận hành của các công trình đã đầu tư trên địa bàn mà đã giao cho UBND xã, hợp tác xã, tư nhân... quản lý. Đề xuất mô hình quản lý vận hành phù hợp nhằm bảo đảm được bền vững về tài chính và bền vững về kỹ thuật. Các địa phương có công trình xây dựng xong mà không đưa vào sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả cần xác định rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục để đưa công trình vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Bên cạnh đó, đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh lồng ghép vào nội dung chương trình công tác trọng tâm của đoàn thể mình các hoạt động truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên nâng cao ý thức sử dụng nước sạch trong sinh hoạt cũng như trong việc bảo vệ cơ sở vật chất các công trình cấp nước tại địa phương; tích cực tham gia thực hiện công tác xã hội hóa nhằm tiếp tục mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn.  Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.


Tin nổi bật Tin nổi bật