A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, hệ thống lưới điện trước mùa mưa lũ

(binhdinh.gov.vn) - Bộ Công Thương vừa có Văn bản số 2256/BCT-ATMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các chủ đập, hồ chứa thủy điện về việc đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, hệ thống lưới điện trước mùa mưa lũ.

Theo đó, để chủ động ứng phó các tình huống thiên tai, đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, an toàn hệ thống cung cấp điện, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị chủ đập, hồ chứa thủy điện triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh

Chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Sở, ngành liên quan của địa phương: Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá an toàn vận hành đập, hồ chứa thủy điện thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 114/2018/NĐCP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Rà soát, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy trình vận hành, Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp và các tài liệu liên quan đối với công tác quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc các đơn vị chủ đập, hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa và chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp do cố thiên tại gây ra, nhất là sự cố về động đất, sạt lở và bão lụt... Chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thủy điện chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tự sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai. Tổ chức diễn tập các phương án ứng phó với thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt. Quán triệt chủ đầu tư các cơ sở, công trình trong ngành Công Thương, đặc biệt là các đơn vị quản lý dự án thủy điện đang xây dựng, các hồ thải quặng đuổi của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và bão lũ. Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị truyền tải và Công ty điện lực, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, Nghị định số 51/2020/NĐCP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương có công trình thủy điện trên cùng lưu vực để thực hiện tốt việc điều tiết, xả lũ đảm bảo an toàn công trình, tài sản và tính mạng người dân vùng hạ du đập thủy điện. Chỉ đạo các Sở, ban ngành, các địa phương chuẩn bị kế hoạch hàng hóa vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân trong mọi tình huống đặc biệt các khu vực dễ bị chia cắt, cô lập do thiên tai gây ra.

 2. Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Chủ động xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện an toàn, dự phòng nhiên liệu, vật tư để sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối điện để đảm bảo việc cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân một cách tin cậy, ôn định và chất lượng. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp, tăng cường các giải pháp gia cố, phòng chống để giảm thiểu tình trạng gãy đổ cột đối với lưới điện trung hạ thế khi có động đất hoặc cơn bão đi qua. Chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện thường xuyên kiểm tra, giám sát các hạng mục công trình để kịp thời khắc phục, xử lý các khiếm khuyết đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, chủ động khôi phục và tăng cường hệ thống quan trắc, cảnh báo cho người dân vùng hạ du đập và chia sẻ các thông tin, dữ liệu của hệ thống quan trắc đến các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp, phòng chống thiên tai hiệu quả.

3. Đối với các chủ đập, hồ chứa thủy điện

Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ và phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện tốt công tác vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các hạng mục công trình và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trước khi có động đất, bão lũ xảy ra. Nghiên cứu triển khai, nâng cấp các thiết bị theo dõi, giám sát an toàn đập. Rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp để cập nhật bổ sung các hình thái thiên tai có thể xảy ra như động đất, sạt lở... (kể cả công trình đang xây dựng) bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du trong mọi tình huống. Bố trí đầy đủ các phương tiện, vật tư phục vụ công tác ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố. Tổ chức diễn tập các phương án ứng phó với thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để chủ động vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du đập. Củng cố hệ thống cảnh báo, phối hợp chặt chẽ với địa phương để kịp thời cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du trong quá trình vận hành điều tiết lũ. Cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật