A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng ý tổ chức Lễ hội và Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 85 năm Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương (Hoài Nhơn)

(binhdinh.gov.vn)-UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1926/UBND-VX về việc tổ chức Lễ hội và Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 85 năm Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương, Hoài Nhơn.

Bia lưu niệm Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn).

Theo đó, UBND tỉnh đồng ý chủ trương tổ chức Lễ hội kỷ niệm 85 năm Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn (23/7/1931-23/7/2016) với quy mô cấp huyện; Riêng đối với Hội thảo giao UBND huyện Hoài Nhơn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các ngành liên quan tổ chức cơ sở chuẩn bị chu đáo nội dung, thành phần khách mời phù hợp với quy mô hội thảo.

Bên cạnh đó, giao UBND huyện Hoài Nhơn chủ trì, phối hợp với Sở VH,TT&DL, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội và Hội thảo nêu trên để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Được biết, Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn) là cuộc buổi tình của hơn 3000 quần chúng nhân dân huyện Hoài Nhơn đấu tranh phản đối thực dân Pháp và bè lũ tay sai chấm dứt đàn áp nhân dân Nghệ Tĩnh và Đức Phổ (Quảng Ngãi). Theo đó, đêm 22 rạng ngày 23/7/1931, đoàn biểu tình hơn 3 nghìn người từ các xã phía Bắc huyện Hoài Nhơn tập trung thành các cánh quân sôi sục tiến về phủ đường Bồng Sơn. Đoàn biểu tình tiến đến đâu đều trấn áp đoàn phu, đốt trụi các điếm canh dọc đường. Khoảng 01h30 sáng ngày 23/7/1931, khi đoàn biểu tình kéo đến Cây số 7 Tài Lương (xã Hoài Thanh Tây) thì bị binh lính địch chặn lại và đàn áp đẫm máu. 13 Đảng viên và quần chúng đã hy sinh, một Đảng viên bị kết án tử hình, 3 Đảng viên bị kết án tù chung thân, 20 Đảng viên bị lưu đày lên nhà lao Buôn Mê Thuộc, 11 đồng chí bị đày lên ngục Kon Tum, 47 đồng chí bị giam cầm tại nhà lao Bình Định và hàng trăm quần chúng bị giam cầm tại nhà lao Phù Ly.

Cuộc biểu tình đã làm rung chuyển bộ máy tay sai của chính quyền thực dân Pháp. Cuộc biểu tình tiêu biểu cho khí thế đấu tranh của công, nông trong cao trào 1930 - 1931; thể hiện ý chí sắt đá, một lòng kiên quyết bảo vệ và duy trì các phong trào cách mạng trong thời điểm khó khăn, ác liệt nhất của nhân dân Hoài Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.

Ngày 26/01/2011, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 323 xếp hạng di tích quốc gia cho di tích lịch sử địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn./.

T.T.T


Tin nổi bật Tin nổi bật