A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên kết phát triển 7 tỉnh Duyên hải Miền Trung - một năm nhìn lại

Trên cơ sở đánh giá tổng quan về hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của 7 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (sau đây gọi là Vùng), nhận diện vai trò của Vùng đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình CNH – HĐH, cũng như phân tích các thế mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức của Vùng trong thời gian tớ

 

qua buổi hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh Duyên hải miền Trung” tổ chức ngày 15/7/2011 tại thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố đồng thuận liên kết phát triển với nhau thông qua việc ký kết Biên bản cam kết hợp tác.

Theo đó, trên cơ sở đặc thù của Vùng, thực tiễn phát triển và yêu cầu cấp bách liên kết, việc hợp tác này là sẽ lựa chọn một hoặc các nội dung dưới đây để thực hiện liên kết là: Cùng nghiên cứu để phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; Thiết lập không gian kinh tế du lịch Vùng thống nhất; Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; Hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển chung của Vùng; Phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và trong phát triển quảng bá văn hóa toàn Vùng; Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng; Xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn; Hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.

* Những thành công bước đầu

Qua gần 1 năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư nhận thấy việc hợp tác này đã có nhiều hoạt động tích cực  và dần định hướng được những nội dung cần hợp tác hiệu quả, thiết thực như:

(1)Ngày 19/12/2011, Tổ điều phối vùng các tỉnh Duyên hải miền Trung và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch các tỉnh Duyên hải miền Trung” tại Tp Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Tại Hội thảo này, các Báo cáo đã nhấn mạnh về tiềm năng du lịch biển đảo của vùng, những cố gắng của một số tỉnh trong việc đầu tư phát triển du lịch đã thu được những kết quả khả quan, nhất là Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Thành phố Đà Nẵng nhưng đồng thời cũng thẳng thắn đánh giá kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch vùng còn yếu, du lịch của các tỉnh vẫn phát triển theo hướng "mạnh ai nấy làm", thiếu tính gắn kết, ít các tuyến, tour du lịch kết nối các điểm du lịch trong vùng. Vì thế, việc phát triển du lịch mới chỉ dừng ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao, sản phẩm du lịch còn trùng lắp, chưa phong phú.

Phát biểu tại  hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng vấn đề liên kết trong phát triển du lịch vùng cần hướng vào các vấn đề: liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, liên kết giữa ngành du lịch và các ngành khác; liên kết giữa các tuyến, điểm du lịch trong vùng với các vùng khác trong nước và liên kết trong nước với nước ngòai. Trước mắt nên tổ chức Hội chợ du lịch biển đảo thường niên, xây dựng thương hiệu du lịch vùng, xây dựng quỹ xúc tiến quảng bá du lịch từ đóng góp của các doanh nghiệp và từ Quỹ phát triển vùng. Mỗi tỉnh cần tìm cho được những thương hiệu, sự kiện  đặc trưng riêng địa phương như Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa, Khánh Hòa có festival biển hay Bình Định có liên hoan võ thuật cổ truyền quốc tế…

Cũng tại hội thảo, để triển khai các nội dung liên kết phát triển một cách thiết thực nhất, đại diện 25 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của 7 tỉnh đã cùng nhau ký Biên bản hợp tác pháp triển du lịch vùng, trong đó có Công ty cổ phần Khách sạn Hải Âu của Bình Định.

(2) Ngày 8/4, tại thành phố Huế, Tổ điều phối Vùng các tỉnh duyên hải miền Trung phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo khoa học liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh duyên hải miền Trung.

Qua đó, các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, các cơ sở đào tạo cần phải có sự liên kết, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên thế mạnh của mỗi cơ sở, mỗi địa phương.

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào lưu ý, khi so sánh với các vùng khác trong cả nước có thể nhận thấy thế mạnh ở các trung tâm đại học của khu vực duyên hải miền Trung như: Huế mạnh về đào tạo khoa học cơ bản, y dược, nông lâm; Đà Năng nổi trội về kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế; Quy Nhơn là khoa học cơ bản, còn Nha Trang là thủy sản.

Chính vì vậy, cần phải có quyết tâm chính trị trong hợp tác tạo lập mối liên thông, liên kết giữa 4 trung tâm đại học của vùng thì sẽ đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho hầu hết các ngành mà các địa phương, doanh nghiệp trong khu vực đang cần.

Còn với mỗi trường thuộc 4 trung tâm lại chọn ra 1 đến 2 ngành có thế mạnh (về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và phù hợp với lĩnh vực ưu tiên phát triển của vùng) để tập trung đào tạo.

Ngoài ra, các đại biểu thống nhất cần phải có sự hợp tác, phân công giữa các địa phương để đầu tư xây dựng nâng cấp các trường và trung tâm đào tạo nghề chuyên sâu, phục vụ cho nhu cầu lao động của cả vùng; xây dựng qũy đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường lao động chung ; xây dựng chợ việc làm trên mang internet nhằm kết nối giữa nhu cầu giữa nhu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.

(3)Trước yêu cầu bức thiết, tại hội thảo, lãnh đạo các địa phương, đơn vị tài chính cũng đã thành lập “Quỹ Nghiên cứu phát triển Vùng” để tạo nguồn kinh phí hoạt động của Tổ Điều phối, công tác nghiên cứu của Nhóm Tư vấn và hoạt động chung của vùng. Tỉnh Bình Định cũng đã cử ông Hồ Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham gia thành viên của Quỹ.

(4) Riêng đối với tỉnh Bình Định,ngày 13/9/2011, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cùng đại diện các Sở ngành của tỉnh đã làm việc với đoàn công tác Nhóm Tư vấn liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung do ông Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn làm trưởng đoàn.

Theo đó, nội dung của buổi làm việc tập trung chủ yếu vào việc đưa ra được loại hình du lịch mang bản sắc riêng của tỉnh Bình Định trong mối liên kết phát triển du lịch của 7 tỉnh duyên hải miền Trung gồm: Nha Trang, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế. Bình Định sẽ chọn loại hình phát triển du lịch biển gắn với lịch sử văn hóa, trong đó, điểm nhấn trọng tâm là Bảo tàng Quang Trung và võ cổ truyền Bình Định kết hợp với tuyến du lịch biển Hải Giang – Vĩnh Hội để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Đoàn công tác Nhóm Tư vấn cho rằng thế mạnh của Bình Định là võ cổ truyền cũng như hình ảnh vị Hoàng đế Quang Trung tài trí đã được rất nhiều người trên thế giới biết đến. Do vậy, nên đầu tư xây dựng huyền thoại về Hoàng đế Quang Trung, xây dựng lò võ cũng như có các chương trình dạy võ cho du khách đến tham quan điều này sẽ tạo nên sự độc đáo, thu hút đối với du khách; tập trung đầu hạ tầng cho một vài dự án du lịch cấp thiết và quan trọng nhất để làm điểm nhấn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tạo ra được các sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của tỉnh; nên phân khúc thị trường khách du lịch…

* Những việc cần làm tiếp theo

Với góc độ cơ quan xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh Bình Định, 2 nội dung sau cần xúc tiến triển khai nhanh trong thời gian tới, mà cụ thể trong năm 2012 là Phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và trong phát triển quảng bá văn hóa toàn Vùng; và Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng bởi các lý do sau:

(1)Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội thảo tháng 7/2011 là: các địa phương cần lựa chọn thứ tự ưu tiên trong việc xúc tiến liên kết; việc phát triển kinh tế phải gắn với nền văn hóa đa dạng, phong phú; khai thác và thúc đẩy hiệu quả từ Hành lang kinh tế Đông Tây; tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, lưu ý việc phân công đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy văn hóa vùng làm động lực phát triển kinh tế-xã hội... Việc hợp tác là mới, lớn và khó làm, vì vậy đòi hỏi phải có tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt của các địa phương để cùng liên kết, hợp tác để đạt được hiệu quả trong thực tiễn.

(2)Một vấn đề khá bức thiết hiện nay trong liên kết phát triển khu vực duyên hải 7 tỉnh, thành phố miền Trung chính là thu hút đầu tư. Bởi, trên thực tế, địa phương nào cũng muốn thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khai thác lợi thế kinh tế biển, đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, công nghiệp... trong khi tiềm năng ở những lĩnh vực này gần như giống nhau.

Tuy nhiên, từ thực tế đó, cho thấy việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghiệp đang là những vấn đề cần bàn đến trong liên kết thu hút đầu tư trong và ngoài nước của các tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung. Trong đó, khai thác thế mạnh để phát triển loại hình công nghiệp nào cho từng địa phương, cho cả khu vực là một vấn đề lớn.

Chỉ riêng về công nghiệp hóa dầu, thì bên cạnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã đi vào hoạt động, các dự án lọc, hóa dầu cũng đang được triển khai ở Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa một cách khẩn trương. Thế nhưng, việc thiếu liên kết trong kêu gọi, thu hút đầu tư đã làm cho các địa phương chịu sự “giẫm chân tại chỗ” đối với các dự án này.

Trong khi đó, thách thức đối với việc thu hút đầu tư vào khu vực không phải là nhỏ. Đó là nền tảng kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực còn thấp; việc phát triển dàn trải dựa chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch...; các ngành kinh tế chủ lực có cơ cấu ngành, sản phẩm trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ...

(3)Toàn vùng có 6 khu kinh tế, 34 khu công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ô-tô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, hóa chất, vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, điện tử, điện lạnh, dệt may, da giày... với các sản phẩm chủ lực là hóa dầu, thủy điện, ô-tô, hải sản, dệt-may, da giày...

Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải nên thiếu những dự án có tầm cỡ, có quy mô lớn, nhất là những dự án đầu tư nước ngoài có số vốn lớn, đem lại giá trị gia tăng cao. Đó là chưa nói việc cạnh tranh giữa các địa phương có cùng tiềm năng, lợi thế đã không khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và nhân lực; ngược lại có lúc có nơi đã đánh mất lợi thế lớn này. Bên cạnh đó, ngoài việc Đà Nẵng được xếp thứ hạng cao trong nhiều năm liền về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì các địa phương khác trong khu vực đang đứng trước những thách thức không nhỏ khi xếp ở những vị trí thấp trong các năm qua ở những địa phương còn lại của Vùng.

(4)Bên cạnh đó, việc liên kết thu hút đầu tư vào du lịch cũng đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Đó là, mặc dù việc xây dựng những sản phẩm du lịch mang tầm cỡ quốc gia đang được hình thành, bắt đầu được quảng bá rộng rãi trên thế giới như Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội Đống Đa-Tây Sơn, Festival Biển Nha Trang..., nhưng việc liên kết các chuỗi sự kiện du lịch dường như chưa được chú trọng đúng mức nên chưa khai thác hết tiềm năng. Việc gắn kết các cụm, khu du lịch cũng chưa được đặt ra, mặc dù trong vùng có đến 4 di sản thế giới. Điều đó dẫn đến việc trao đổi kinh nghiệm, tăng cường phối hợp quảng bá du lịch chưa được đầu tư đúng mức, cả về công sức và tiền bạc... Sự manh mún đó dẫn đến lượng du khách tăng nhiều ở hầu hết các địa phương, nhưng doanh thu du lịch tăng chậm hơn do khách có ít thời gian lưu trú và cơ hội để mua sắm...

Từ thực trạng đó, đặt ra vấn đề liên kết nhằm vừa hợp tác, vừa phân công trong thu hút đầu tư cho phát triển của các địa phương trong vùng. Trước hết, theo các nhà doanh nghiệp, thì quan trọng nhất là thông tin. Việc chia sẻ thông tin giữa các địa phương, tăng cường quảng bá về đầu tư theo từng lĩnh vực, từng địa phương trong mối liên hệ và quan hệ chặt chẽ sẽ tạo một môi trường lành mạnh, thông thoáng và đồng bộ để nhà đầu tư có sự chọn lựa trong quyết định của mình. Việc chia sẻ thông tin mang tính đồng bộ, công khai, minh bạch của các địa phương cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp quyết định trong việc đầu tư, liên kết đầu tư, nhất là trên lĩnh vực du lịch và công nghiệp hỗ trợ.

(5)Việc quy hoạch phát triển cũng cần được thống nhất, từ đó tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận với khu vực mình quan tâm. Ví dụ: Đầu tư công nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng, công nghiệp ô-tô tại Quảng Nam, công nghiệp lọc hóa dầu tại Quảng Ngãi, công nghiệp chế biến gỗ ở Bình Định, công nghiệp đóng tàu tại Khánh Hòa... Từ đó mới có cơ hội thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, có nguồn vốn lớn, tạo cú hích cho địa phương và khu vực. Công tác thu hút, quảng bá sản phẩm du lịch cũng cần được gắn kết để vừa thu hút đầu tư, vừa khai thác những cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, đem hình ảnh của khu vực đến với đông đảo du khách để khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn trong khu vực...

Như vậy, có thể thấy, thông tin là vấn đề quan trọng hàng đầu trong liên kết thu hút đầu tư cho phát triển của Vùng

Với những lý do trên đây, hy vọng rằng, những vấn đề này sẽ được mổ xẻ, phân tích và có được giải pháp tốt nhất cho hoạt động tiếp theo của Vùng là Hội thảo khoa học “Về kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp các tỉnh duyên hải miền Trung” tại thành phố Quy Nhơn vào tháng 8/2012.


Tin nổi bật Tin nổi bật