A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Giao thông vận tải triển khai nhiệm vụ năm 2024

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 28/12, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì điểm cầu Bình Định.

Điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo tại hội nghị, hầu hết các mặt công tác trong năm 2023 của Bộ GTVT đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, những kết quả nổi bật như: Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời, giúp từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết nhiều vấn đề nóng, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia; đang tập trung triển khai xây dựng 02 Đề án quan trọng về định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không và chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...

Công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án tiếp tục được Bộ GTVT triển khai quyết liệt. Tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành cơ bản được bảo đảm, chất lượng được đặc biệt chú trọng. Trong năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 26 Dự án (18 dự án đường bộ, 02 dự án đường thủy, 03 dự án đường sắt, 02 dự án hàng hải và 01 dự án khối xây dựng) và hoàn thành 20 dự án (17 dự án đường bộ, 01 dự án hàng hải, 02 dự án đường thủy); trong đó, có 09 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475 km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km. 

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu đề ra. Bộ GTVT tiếp tục là một trong những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT nguồn vốn khoảng 94.161 tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay, gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021. Đến hết tháng 12/2023, ước giải ngân của Bộ đạt 90% kế hoạch và dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%.

Ngoài ra, công tác xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong đời sống, hoạt động sản xuất - kinh doanh…

Năm 2024, ngành GTVT đặt mục tiêu: Bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án luật, nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ và của Bộ GTVT trong năm 2024. Đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, lành mạnh, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; trong đó, phấn đấu khối lượng hàng hóa khoảng 7%, số lượng hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2023; khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 8,5%, luân chuyển hành khách tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2023; khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt khoảng 785 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2023.

Cùng với đó, ngành phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao. Khởi công, hoàn thành các dự án giao thông theo đúng kế hoạch năm 2024; trong đó, hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tích cực phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình lập các Quy hoạch Quốc gia thuộc lĩnh vực GTVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch Cảng hàng không, Hệ thống đường sắt, Cảng biển,…). Hoàn thành quy hoạch phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư các dự án quan trọng quốc gia do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo kế hoạch tiến độ đề ra. Các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức đầu tư các dự án hơn 12.000 tỷ đồng, đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng và một số dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023, góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh, nhất là hệ thống đường ven biển theo Quy hoạch được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông đối ngoại theo hướng Đông - Tây (kết nối giữa Quốc lộ 1 với đường ven biển) phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thực hiện Chương trình Bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã bê tông hóa, cứng hóa đạt 7.424/9.169km đạt tỷ lệ 81%, đã góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân, tạo điều kiện từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 95/111 xã (đạt tỷ lệ 85,6%) đạt tiêu chí Giao thông.

Ngoài ra, hoạt động vận tải ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được chú trọng thực hiện…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng kiến nghị Bộ GTVT xây dựng và ban hành Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hiện đại gắn với các Cảng biển, Cảng Hàng không, Khu đô thị, Khu kinh tế vùng Bắc Trung bộvà duyên hải Trung bộ trong đó có tỉnh Bình Định. Ưu tiên thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn để phát huy tính chủ động, gắn với trách nhiệm phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chỉ đạo các đơn vị quản lý và các Nhà đầu tư BOT các tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, bất cập về hạ tầng giao thông trên tuyến để đảm bảo an toàn giao thông.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, ngành GTVT đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng, nặng nề được giao, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần đẩy mạnh hơn nữa, lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực, nguồn lực, đóng vai trò dẫn dắt trong khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát, bảo hành, bảo trì các công trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, giảm giá thành, chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần phát triển nhanh, bền vững các công trình, dự án giao thông trọng điểm.

Cùng với đó, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả theo tinh thần vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực giao thông vận tải.

Đồng thời, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội; tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của Nhân dân; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật