Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 18/11/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Kế hoạch nhằm mục đích triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030. Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh thành một ngành công nghiệp bền vững, hiệu quả, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp trong chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ.
Để thực hiện đạt mục đích nêu trên, kế hoạch đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Tham gia đề xuất xây dựng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp, chế biến và thương mại lâm sản. Phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển. Phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. Tập trung ưu tiên phát triển, sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm chính sau: Nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất (bàn ghế, giường, tủ, bếp, bàn trang trí, giá, kệ sách…), nhóm sản phẩm đồ gỗ ngoài trời (ghế xích đu, cầu trượt, dù che nắng,...), nhóm sản phẩm nhựa đan, nhóm sản phẩm gỗ ván nhân tạo. Tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm có nhiều tiềm năng, lợi thế tại thị trường trong nước và tại các thị trường xuất khẩu chính gồm: Mỹ, các nước khối CPTTP, Hàn Quốc, các nước khối EVFTA, các nước khối RCEP, Anh và các nước Châu Âu khác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vật liệu mới; công nghệ tự động hóa trong chế biến, bảo quản gỗ; công nghệ sản xuất sử dụng phế liệu, phụ phẩm lâm nghiệp; các công nghệ mới tạo ra các loại sản phẩm chất lượng cao. Ứng dụng hệ thống quản lý điều hành sản xuất kinh doanh bằng các phần mềm quản lý tiên tiến, giảm thiểu việc sử dụng nhân công; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin ngành công nghệ chế biến gỗ để hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn công nghệ, quyết định đầu tư, đổi mới và chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước trong đào tạo nguồn nhân lực ngành chế biến gỗ; tăng cường cung cấp thông tin cho các doanh chế biến gỗ về các quy định kiểm soát gỗ hợp pháp; các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, thực hiện việc trồng rừng sản xuất thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng từ 80% trở lên nhu cầu nguyên liệu gỗ cho sản xuất, chế biến; quản lý, giám sát chất lượng nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp đạt trên 95%; sử dụng giống tốt, cây giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hồ sơ quản lý giống; tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng, hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung; tăng năng suất, chất lượng rừng trồng đạt bình quân 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và đạt 22 m3/ha/năm vào năm 2030; tăng độ tuổi khai thác rừng trồng trên 5 năm. Tổ chức có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trồng rừng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện Đề án một cách đồng bộ, hiệu quả. Kế hoạch cần có sự tham gia của các sở, ngành và địa phương có liên quan; các doanh nghiệp liên quan đến chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ./.