|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 27/2, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1095/UBND-VX về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, đạt được kết quả, hiệu quả bước đầu, được nhân dân, các đơn vị, địa phương đồng tình ủng hộ.

Theo văn bản, ngày 26/02/2020, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo tỉnh Bình Định về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đã triệu tập đại diện lãnh đạo một số đơn vị và cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tỉnh tham dự cuộc họp bàn triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi nghe Sở Y tế (Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) và một số sở, ngành báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; ý kiến của các cơ quan, đơn vị dự họp; UBND tỉnh có ý kiến như sau: 

1. Mặc dù tỉnh Bình Định chưa có trường hợp nào bị mắc COVID-19 nhưng tất cả các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân phải tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; luôn đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan; triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh.

2. Sở Y tế:

- Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân biết về tình hình, diễn biến, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để chủ động phòng chống dịch.

- Tham mưu, đề xuất ngay việc phân công thành viên Ban chỉ đạo tỉnh quản lý, theo dõi, giám sát từng địa bàn, cơ quan, đơn vị trong tỉnh để chủ động làm việc, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống dịch của mỗi đơn vị, địa phương.

- Tổng hợp thông tin, báo cáo từ các đơn vị, địa phương trong tỉnh; gửi báo cáo hàng ngày về tình hình dịch bệnh COVID-19 cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan.

- Thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly y tế khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đối với người đến từ vùng có dịch đã nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày qua; thực hiện giám sát, khai báo y tế, theo dõi về sức khỏe đối với công dân đến từ các vùng khác của Hàn Quốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Văn bản số 868/BYT-DP ngày 24/02/2020 nêu trên.

- Đề xuất ngay địa điểm và việc chuẩn bị khu cách ly riêng cho người nước ngoài khi phải áp dụng biện pháp cách ly theo quy định.

- Chủ động phối hợp với các Sở Du lịch, Ngoại vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công an tỉnh kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh. Trước mắt, thực hiện theo đề xuất của Sở Y tế, áp dụng biện pháp đo thân nhiệt từ xa đối với hành khách tại ga quốc nội Cảng Hàng không Phù Cát; trường hợp phát hiện hành khách có dấu hiệu sốt, ho... thì tiến hành cách ly tạm thời tại chỗ để tiến hành khai thác thông tin y tế và xử lý theo qui trình được Bộ Y tế qui định và có các khuyến cáo, hướng dẫn, theo dõi đối với các hành khách đi cùng và tiếp xúc gần.

- Chủ động làm việc với các công ty dược - vật tư y tế trong nước để đảm bảo thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị cho phòng chống dịch bệnh và điều trị các bệnh khác cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; không được để thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh.

- Dự thảo Hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý và ký ban hành để tổ chức thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn trường lớp học trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép đi học trở lại.

- Dự thảo Kế hoạch phối hợp liên ngành của Sở Y tế, Sở Du lịch, Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh về công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, giám sát khách nước ngoài từ nước/vùng có dịch vào tỉnh, gửi Sở Du lịch, Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh góp ý và ký ban hành để tổ chức thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức ngay việc tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh trường lớp, cách thức theo dõi sức khỏe học sinh... cho tất cả các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến thông qua phòng họp trực tuyến của chi nhánh Viettel các huyện, thị xã, thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và Sở Giao thông Vận tải tổ chức tập huấn cho tất cả các công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú, công ty vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, cơ sở lưu trú, phương tiện vận tải, về cách thức theo dõi sức khỏe khách du lịch, hành khách.

- Chuẩn bị và gửi các nội dung cần thiết như: Các khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19, quy định cách ly y tế, nội quy khu cách ly y tế... cho Sở Ngoại vụ để thực hiện dịch thuật từ tiếng Việt sang tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc nhằm chủ động, tạo điều kiện thuận lợi khi làm việc với người nước ngoài về kiểm dịch y tế, cách ly y tế.

3. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo Công an các địa phương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cư trú, lưu trú của công dân trên địa bàn quản lý, nhất là những người mới đến và đi từ vùng có dịch; kịp thời thông tin cho Sở Y tế và cơ quan y tế địa phương để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cách ly y tế theo quy định.

- Nắm thông tin về hành khách từ Hàn Quốc đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 11/02/2020 và đang ở Bình Định (nếu có), gửi Sở Y tế để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly khi cần thiết.

4. Sở Ngoại vụ:

- Nắm vững quy trình làm việc, hướng dẫn Sở Y tế và các đơn vị liên quan thực hiện; đồng thời báo cáo Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong trường hợp có thực hiện cách ly y tế đối với người nước ngoài.

- Thực hiện dịch thuật/ thuê dịch thuật từ tiếng Việt sang tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc đối với các văn bản do Sở Y tế đề nghị nhằm chủ động, tạo điều kiện thuận lợi khi làm việc với người nước ngoài về kiểm dịch y tế, cách ly y tế.

- Trước mắt, chuẩn bị đảm bảo 3 phiên dịch tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc để hỗ trợ Sở Y tế và đơn vị kiểm dịch y tế khi Sở Y tế có yêu cầu.

5. Các Sở Du lịch, Ngoại vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Công an tỉnh:

- Theo thẩm quyền quản lý, thực hiện thông báo cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân không đi đến các vùng có dịch ở các nước, trừ trường hợp cần thiết; nếu vẫn đi thì khi nhập cảnh về lại Việt Nam sẽ phải cách lý tập trung 14 ngày theo quy định.

- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tích cực phối hợp Sở Y tế thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng chống dịch bệnh nêu tại Mục 2 Công văn này.

- Theo thẩm quyền quản lý, thực hiện gửi thông tin, báo cáo hàng ngày cho Sở Y tế về tình hình khách du lịch, người lao động nước ngoài đang có mặt trên địa bàn tỉnh (lưu ý đối với người đến từ nước/ vùng có dịch).

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

Thực hiện các biện pháp cách ly y tế đối với công dân Việt Nam về nước từ vùng có dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

7. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh:

Thực hiện kiểm soát chặt chẽ, không cấp phép lên bờ đối với thuyền viên đến từ vùng có dịch, trừ trường hợp hết sức cần thiết; chỉ đạo vệ sinh phòng dịch đối với tàu thuyền đến từ vùng có dịch vào khu vực cảng biển thành phố Quy Nhơn.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Chỉ đạo cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, nắm vững số liệu khách nước ngoài đến ở tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn quản lý; người lạ, khách đến ở tại các hộ gia đình, đặc biệt là khách đến từ nước/vùng có dịch; thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, theo quy định.

9. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định:

Chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đăng tải thông tin về tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời và các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân hiểu rõ, thực hiện, không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống dịch COVID-19 tích cực, hiệu quả./.

KY


Tin nổi bật Tin nổi bật