|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Bình Định tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch xuất khẩu năm 2023.

(binhdinh.gov.vn) - Trong 3 tháng đầu năm 2023, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng, song hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm 12,2% so với cùng kỳ. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã và đang có những giải pháp chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời gian tới.

Trong Quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 360 triệu USD, đạt 22,5% kế hoạch năm (1.600 triệu USD), giảm 12,2% so với cùng kỳ (410 triệu USD). Trong đó, một số mặt hàng chủ yếu có KNXK tăng so với cùng kỳ như: Sắn và các sản phẩm từ sắn 16 triệu USD, tăng 70,6%; gỗ 83,2 triệu USD, tăng 41,6% và hàng dệt may 69 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số mặt hàng chủ yếu có KNXK giảm so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản giảm 36%; gạo giảm 65%; quặng và khoáng sản giảm 39%; sản phẩm từ chất dẽo giảm 25,4%; sản phẩm gỗ giảm 30,7% so với cùng kỳ.

Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, nhóm hàng lâm sản ước thực hiện 187,6 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ. Nhóm Công nghiệp chế biến tiêu dùng ước thực hiện 119,4 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Nhóm hàng Thuỷ sản ước thực hiện 24,8 triệu USD, giảm 36,1% so với cùng kỳ. Nhóm hàng nông sản ước thực hiện 22,1 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Nhóm hàng Khoáng sản và vật liệu xây dựng ước thực hiện 6,1 triệu USD, giảm 37,5% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất ván gỗ ép xuất khẩu của doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Đồi Hỏa Sơn, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn. (Ảnh: TTH)

Hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu sang 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. KNXK trực tiếp ước đạt 357,2 triệu USD, giảm 12,6% so với năm 2022, chiếm 99,2% tổng KNXK toàn tỉnh. Trong đó Châu Á đạt 139,5 triệu USD, tăng 25,1%; Châu Âu đạt 80,0 triệu USD, tăng 35,1%; Châu Mỹ đạt 131,0 triệu USD, tăng 21%; Châu Đại Dương ước đạt 0,7 triệu USD, tăng 57,6% và Châu Phi ước đạt 0,9 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Nhìn chung hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh trong quý I/2023 tuy vẫn có điểm sáng trong tăng trưởng, nhưng phần lớn các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực đều giảm so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu một số ngành hàng bị thu hẹp, một số doanh nghiệp chưa tìm được các đơn hàng mới, dẫn tới giá trị đơn hàng giảm; tình hình xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế các nước. Giá các loại nguyên liệu tăng cao, chuỗi cung ứng, hàng tồn kho cao, lạm phát gia tăng ở nhiều nước; việc thắt chặt chi tiêu của người dân các nước trong thời gian qua đã ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ, thiếu thông tin thị trường, kinh nghiệm quản lý, thiếu phương án kinh doanh linh hoạt, dự phòng rủi ro, hiểu biết về pháp luật đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Thống kê trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã có 350 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tăng 2,6% và 12 doanh nghiệp giải thể, giảm 29,4% so với cùng kỳ. 

Trong các quý còn lại của năm 2023, bên cạnh nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn gặp các yếu tố thuận lợi như các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP sẽ tiếp tục mang tới những cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu; thị trường Hoa Kỳ ổn định trở lại giúp cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, hàng may mặc... là những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh có dịp thâm nhập vào thị trường này.

Nhận diện được những thuận lợi và khó khăn nêu trên, UBND tỉnh đã và đang tăng cường chỉ đạo, điều hành ngành công thương cùng các ngành, địa phương liên quan triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, giải pháp thúc đẩy sản xuất, mở rộng, khơi thông thị trường trong nước và quốc tế, chủ yếu đó là:

- Tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định FTA thế hệ và thị trường của các nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm, mở rộng thị trường mới tiềm năng; tiếp tục củng cố, nắm vững các quy định để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa các lợi thế của các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết như: EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP.... Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và phòng vệ thương mại.

- Tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Điều hành tốt việc cung ứng đủ nguồn điện, nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đảm bảo cho sản xuất phát triển ổn định, nhất là sản xuất chế biến hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường để kịp thời cung cấp cho các hiệp hội, doanh nghiệp biết.

- Tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thiết lập mối quan hệ với các cơ quan Thương vụ, Tham tán Thương mại Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để thu thập thông tin thị trường, doanh nghiệp nhập khẩu, cơ chế chính sách xuất khẩu của các nước, lộ trình cắt giảm thuế quan, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, dự báo tình hình cung - cầu hàng hóa, các dịch vụ để phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp ứng phó và hạn chế rủi ro và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, mở rộng thị trường.

- Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp thông qua công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế chuyên ngành và đa ngành. Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tiếp cận thị trường thông qua việc thuê gian hàng của các websites bán hàng trực tuyến trên thế giới như Amazon, Alibaba,...

- Đôn đốc các doanh nghiệp tập trung sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng để đảm bảo quy mô cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi; thay đổi một cách căn bản hơn việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng./.


Tác giả: TTH

Tin nổi bật Tin nổi bật