Bình Định quyết tâm triển khai đề án 06, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và cải cách hành chính
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Đây là Đề án có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030
Thời gian qua, tại Bình Định Đề án 06 được quan tâm triển khai thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả, đi vào thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số. Bằng sự tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, đến nay, tỉnh đã triển khai ứng dụng nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử bước đầu đã phát huy hiệu quả thiết thực, phục vụ người dân khi tham gia dịch hành chính, dân sự trên địa bàn tỉnh, như: (i) trong thực hiện thủ tục hành chính, (ii) xuất trình để kiểm tra hành chính hoặc xử lý vi phạm khi đang tham gia giao thông, (iii) thực hiện thủ tục lên tàu bay tại Cảng Hàng không Phù Cát, (iv) thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, (v) thực hiện thủ tục khai báo lưu trú tại các cơ sở lưu trú, (vi) thực hiện thủ tục tuyển sinh đầu cấp tại các cơ sở giáo dục, (vii) thực hiện kiến nghị, phản ánh về an ninh trật tự trên địa bàn, (viii) đăng ký chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, (ix) theo dõi lịch sử khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế,… Đến tháng 9 năm 2024, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, gia tăng sự hài lòng của người dân, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, như:
- 100% thủ tục hành chính được kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư; xác thực thông tin định danh công dân. 104 thủ tục hành chính thực hiện khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tự động điền các trường dữ liệu vào các biểu mẫu điện tử tương tác theo đúng quy định (tối đa 20 trường thông tin). Triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của các cấp, các ngành và Nhân dân. Trong đó, đặc biệt là 2 nhóm thủ tục liên thông “khai sinh, khai tử” theo Nghị định 63/2024/NĐ-CP (Bình Định là một trong 10 địa phương triển khai sớm nhất cả nước), đến nay đã tiếp nhận 20.334 hồ sơ liên thông (liên thông khai sinh: 14.483 trường hợp, liên thông khai tử: 5.851 trường hợp). Việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công liên thông mang lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ hơn thông tin nhân thân và cư trú của người dân, đồng thời người dân dễ dàng nộp hồ sơ một lần và nhận ba kết quả, giúp tiết kiệm công sức, chi phí và thời gian đi lại.
- 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ Căn cước/VNeID; có 15.636/32.714 lượt thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt (chiếm tỉ lệ 47,80%); 4.951/4.995 người dân đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản (đạt tỷ lệ 99,12%); 11.968/12.920 người dân nhận hưởng chế độ BHXH một lần qua tài khoản cá nhân (đạt tỷ lệ 92,63%). Liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử giúp người dân thuận tiện thực hiện nhóm thủ tục hành chính liên thông trên địa bàn tỉnh. Đã có 17 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) chuyển dữ liệu khám sức khỏe phục vụ cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe trực tuyến (77.520 trường hợp), 17 cơ sở KCB cấp giấy chứng sinh (29.821 trường hợp) và 14 cơ sở KCB liên thông cấp giấy báo tử (428 trường hợp).
- 100% công dân đủ điều kiện được cấp thẻ Căn cước/Căn cước công dân. Toàn tỉnh đã tổ chức thu nhận 1.542.312 hồ sơ cấp thẻ CC/CCCD. Thu nhận, cấp thẻ Căn cước từ ngày 01/07/2024 là 28,983 trường hợp (từ 6 đến dưới dưới 14 tuổi: 6,614, dưới 6 tuổi: 1,542). Thu nhận, duyệt cấp tài khoản định danh điện tử cho 1.265.166/1.442.762 trường hợp công dân đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 87,69%. Kích hoạt tài khoản Định danh điện tử 1.072.581/1.265.166 trường hợp, đạt tỷ lệ 84,77%.
- Hoàn thành nhập dữ liệu Hộ tịch trên nền nền CSDL QG về DC: đã nhập 1.536.816/1.1536.098 tổng số hồ sơ cần nhập (đạt tỷ lệ 100,05%) phục vụ việc khai thác, sử dụng để triển khai quy trình Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến…..Đã thực hiện việc tích hợp, kết nối “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” với 34 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp lẫn phía các cơ quan nhà nước. Thường xuyên rà soát, làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; phối hợp các sở, ngành làm sạch dữ liệu chuyên ngành phục vụ tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xác thực thông tin công dân trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc: (i) người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, (ii) hạ tầng và nguồn nhân lực của địa phương được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhất là nguồn nhân lực cấp xã, (iii) trình độ công nghệ thông tin và khả năng tiếp cận công nghệ số của một bộ phận người dân còn hạn chế, (iv) công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc,… Thời gian tới, để triển khai thực hiện Đề án 06 bảo đảm tiến độ, chất lượng hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực, chú trọng sắp xếp, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ, tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; sớm nhận diện và tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”, bám sát các nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị mang lại của Đề án 06, góp phần tạo sự đồng thuận và lan tỏa trong nhân dân để việc triển khai được đồng bộ, hiệu quả nhất; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số, nhất là tạo lập danh tính điện tử, cài đặt, sử dụng, thực hiện dịch vụ công nhằm nâng cao tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.