Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới: Kinh nghiệm trong huy động các nguồn lực, giải pháp cho thời gian đến
Ảnh minh họa
Huy động nguồn lực XDNTM
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung, phương pháp vận động các nguồn lực để thực hiện XDNTM, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể nhân dân và các cơ quan truyền thông, báo chí tổ chức thực hiện phổ biến, quán triệt, thông tin tuyên truyền về Chương trình XDNTM sâu rộng đến từng cấp, từng ngành và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở ban ngành, hội đoàn thể đã có những hoạt động thiết thực giúp đỡ các địa phương thực hiện XDNTM như: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh đã đưa cán bộ, chiến sỹ về trực tiếp tại địa phương giúp nhân dân các xã Cát Tài (huyện Phù Cát), xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ), xã Hoài Thanh ( huyện Hoài Nhơn), xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn); Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã huy động lực lượng đoàn viên tham gia xây dựng đường giao thông, nạo vét kênh mương, dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các địa phương; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều mô hình trong công tác bảo vệ môi trường thôn, xóm xanh – sạch – đẹp…
Ngoài ra, Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh đã thiết lập thêm kênh huy động nguồn lực đạt hiệu quả cao thông qua hoạt động tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ, giúp đỡ các xã XDNTM trên địa bàn tỉnh. Điển hình như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bình Định đã hỗ trợ 27,5 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV – Tổng công ty Tân Cảng tài trợ 500 triệu đồng; Công ty xây dựng 47 hỗ trợ xây dựng 1km đường giao thông nông thôn trị giá 1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn hỗ trợ 500 triệu đồng…
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2011-2016 là 45.357,188 tỷ đồng, trong đó, 369,460 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương; 2.210,791 tỷ đồng từ ngân sách địa phương; 504,536 tỷ đồng từ nhân dân đóng góp; 42.272,801 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác. Kết quả đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có 38 xã đạt chuẩn xã NTM, chiếm 31,1%; 28 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 22,9%; 47 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chiếm 38,4%; 9 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chiếm 7,4 %. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của toàn tỉnh là 14,1 tiêu chí/xã (số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13 tiêu chí/xã); mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 26,78 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm 11,85%.
Xác định những hạn chế, giải pháp cho thời gian đến
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua XDNTM của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện Chương trình NTM đôi lúc chưa chặt chẽ, kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; huy động nguồn lực đóng góp để XDNTM của các tổ chức, doanh nghiệp… còn thấp; với các huyện miền núi, các địa bàn khó khăn có điểm xuất phát thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng lạc hậu, nguồn lực còn nhiều hạn chế; tình trạng chỉ coi trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, còn vấn đề đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết đầu ra nông sản chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất chưa đáp ứng kịp nhu cầu; các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn khá khiêm tốn; chưa có nhiều mô hình kinh tế mang tính đột phá, gắn kết theo chuỗi sản xuất thông qua vai trò của HTX, doanh nghiệp mà chủ yếu đang tồn tại mô hình kinh tế hộ, phát triển đơn lẻ; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của toàn tỉnh và mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn vẫn còn cao (chiếm trên 11%)…
Phát biểu tại Hội thảo Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để XDNTM do Văn phòng Ðiều phối XDNTM Trung ương phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chánh Văn phòng XDNTM tỉnh Bình Định cho biết: Bình Định đặt ra mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã hoàn thành XDNTM, chiếm tỷ lệ 62,3% (trong đó giai đoạn 2016-2020 là 48 xã); có 4 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Để đạt được kế hoạch đã đề ra, cần tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi”; chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện XDNTM. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phải là giải pháp quan trọng hàng đầu; làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng thông qua việc người dân tích cực tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình XDNTM.
Đinh Văn Toại