Bình Định: Rộng cửa đón “đại bàng” phát triển công nghiệp
Trong thời gian qua, Bình Định đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút các dự án đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh thu hút được 24 dự án vào các cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.744,14 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ, nguồn Hoàng Đức Ngọc)
Tập trung tạo nền tảng thu hút đầu tư
Hội tụ đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội, tầm nhìn quy hoạch, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp…, Bình Định đang từng bước vươn lên trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững, đặc biệt là công nghiệp. Sức hút của Bình Định trong lĩnh vực này đối với các nhà đầu tư không ngừng được nâng cao.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh thu hút được 24 dự án vào các cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.744,14 tỷ đồng. Theo đó, có dự án điển hình là Nhà máy gạch, ngói Takao của Công ty Cổ phần Takao Bình Định với tổng vốn đầu tư 1.920 tỷ đồng, diện tích 31,5ha, hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 4/2024, tròn 1 năm sau khi cấp Chủ trương đầu tư. Đặc biệt, về công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6.228,35 tỷ đồng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bình Định luôn chú trọng vào công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm đến công tác đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các dự án sớm hoàn thành thủ tục cần thiết để có thể khởi công xây dựng. Cơ quan quản lý thường xuyên thăm nom, kiểm tra hiện trường, động viên chủ dự án, đồng thời kịp thời nắm rõ những vướng mắc để tháo gỡ hoặc kiến nghị tháo gỡ cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng phối hợp với chính quyền địa phương để chủ động mời gọi, xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, tình hình địa chính trị ảnh hưởng các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm vượt khó, với nỗ lực chung của toàn tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Bình Định cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra, tạo thế và lực, tạo niềm tin để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.
Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, cho biết trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đa dạng các phương thức xúc tiến đầu tư.
“Chúng tôi trực tiếp tháp tùng lãnh đạo tỉnh và chuẩn bị nhiều tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư tại Thái Lan, CHLB Đức, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Italy, Singapore, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ của lãnh đạo tỉnh”, ông Nghi, chia sẻ.
Bên cạnh đó, sở cũng tham gia và chuẩn bị nội dung tại Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Từng bước gỡ các điểm nghẽn
Bên cạnh những kết quả tích cực nhờ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, bức tranh phát triển công nghiệp tại Bình Định vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Dù chính sách hướng tới phát triển công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, hiện nay số lượng dự án theo hướng này chưa nhiều. Hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp vẫn còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là hạng mục xử lý nước thải. Một trong các nguyên nhân là do chủ đầu tư hạ tầng chưa thực sự quan tâm. Ngoài ra, một số địa phương còn chưa tích cực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện của các dự án trong khu - cụm công nghiệp.
“Nhiều nhà đầu tư chậm ứng tiền giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân dẫn đến dự án chậm triển khai, gây khó khăn cho các địa phương trong công tác vận động tuyên tuyền như dự án Lâm sản của Công ty Dragon – Tây Sơn, địa phương phải nhiều lần ra thông báo. Thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu, phân lô trong Cụm công nghiệp còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương. Thêm nữa, tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến việc một số doanh nghiệp chưa bố trí kịp thời tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hoàng Nghi, cho hay.
Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định.
Để tháo gỡ các rào cản trên, ông Nghi nhìn nhận, công tác quy hoạch khu – cụm công nghiệp sẽ phải hướng đến tính bền vững, hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông phải đồng bộ. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh hạ tầng phải thực sự quyết liệt.
Nhằm đưa môi trường đầu tư tỉnh Bình Định thực sự trở nên minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư khu – cụm công nghiệp trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị ít nhất mỗi địa bàn từ 20-30ha đất thương phẩm/năm, nhằm đảm bảo diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới.
Các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu - cụm công nghiệp phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng như giao thông, điện, nước cấp, xử lý nước thải… Đồng thời, chủ đầu tư hạ tầng phải xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư, lấp đầy cụm công nghiệp và chủ động thực hiện triển khai kế hoạch đó. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu - cụm công nghiệp phải thường xuyên cung cấp thông tin về quỹ đất của mình để cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh gửi chào đến các nhà đầu tư. Từ đó, cân nhắc, tính toán về giá cho thuê hạ tầng, vừa đảm bảo có lãi nhưng cũng phải thu hút được nhiều dự án đầu tư vào tỉnh, không để tình trạng quỹ đất lãng phí như hiện nay.
“Hiện chúng tôi đang nắm lại thông tin đầu tư và sẽ có sự kiểm tra đến từng chủ đầu tư hạ tầng, và đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý những khu - cụm công nghiệp triển khai không đạt quy định tại chủ trương đầu tư”.
Về giải pháp đối với công tác quản lý Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất UBND tỉnh xem xét chủ trương cho các địa phương được sử dụng ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã cơ bản lấp đầy nhưng chưa có hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt là các công trình bảo vệ môi trường.
Đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và địa bàn khác sau 5 năm kể từ ngày quy hoạch tỉnh được phê duyệt không thu hút được doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thì UBND tỉnh xem xét, quyết định giao đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng phù hợp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
“Để công tác thu hút đầu tư gia tăng hiệu quả, sở đang tiếp thục tham mưu lãnh đạo tỉnh tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp ở các cấp khác nhau nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, không để các vụ việc giải quyết dây dưa, kéo dài, gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân; tiếp thu, thừa nhận những hạn chế, những bất cập để sửa chữa, khắc phục, tạo niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không cần phải chờ đến dịp Đối thoại, mà ngay lập tức phản ánh vướng mắc của mình khi gặp phải, để được giải quyết kịp thời”, ông Lê Hoàng Nghi cho biết và khẳng định, nếu tháo gỡ được các vướng mắc nêu trên, việc hoàn thành kế hoạch do UBND tỉnh giao chỉ tiêu số dự án và số vốn đăng ký đầu tư vào khu – cụm công nghiệp năm 2024 là rất cao./.