A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay phát triển quỹ câu thai bài chòi

Sau khi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể, bài chòi nhận được quan tâm lớn của các cấp, ngành trong việc mở rộng các hội diễn, hội thi, tập huấn bài chòi… Cùng với đó, việc gìn giữ, sáng tác để bổ sung vào quỹ câu thai bài chòi cũng dần được quan tâm hơn.

 

Tiết mục diễn xướng bài chòi dân gian tại TP Quy Nhơn.  Ảnh: T. KHUY

Đầu năm 2023, Hội VHNT tỉnh tổ chức Cuộc thi sáng tác câu thai bài chòi và đã đạt được một số thành công nhất định. Ngoài các đề tài truyền thống, nhiều vấn đề văn hóa xã hội đã được đưa vào câu thai; bên cạnh đó, còn có chùm câu thai riêng về đề tài học đường với mục đích tạo thuận lợi trong phổ biến bài chòi vào trường học.

Để gìn giữ và phát huy di sản bài chòi, chúng ta đã có nhiều chương trình như: Sưu tầm biên soạn quỹ câu thai bài chòi, phục hồi hội đánh bài chòi, đưa trò chơi bài chòi vào trường học, hay tập huấn, truyền dạy cách hô bài chòi, nhằm đào tạo các anh, chị hiệu kế cận… Tuy nhiên, việc phát động cuộc thi sáng tác câu thai bài chòi thì còn ít được quan tâm. Vì vậy, trong Hội thơ Nguyên Tiêu 2023, Hội VHNT đã phát động cuộc thi sáng tác câu thai bài chòi để bổ sung vào kho dữ liệu câu thai bài chòi của tỉnh. Nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, chia sẻ: Sau cuộc thi, Hội đã tuyển chọn những câu thai tốt nhất, in ra và đóng tập, gửi tặng các CLB bài chòi trong tỉnh. Rất vui khi nhận được nhiều phản hồi tốt từ các anh, chị hiệu nên Hội sẽ duy trì tổ chức cuộc thi này.

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Phú, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước là một người rất nhiệt tình trong sưu tầm, sáng tác câu thai bài chòi. Đến nay, ông đã sưu tầm, sáng tác gần 1.000 câu thai. NNƯT Nguyễn Phú tự in một số tập câu thai bài chòi để gửi tặng các hiệu và một số địa phương trong huyện. Tại nhiều cuộc thi, giao lưu bài chòi, một số hiệu ngoài tỉnh cũng tỏ ra hứng thú xin được tham khảo tập câu thai bài chòi của ông.

NNƯT Nguyễn Phú chia sẻ: Một lần tôi tham gia hội đánh bài chòi dân gian ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, một cụ bà ghi và đưa câu thai Nhì Nghèo đề nghị tôi hô! Đó là một câu thai rất hay và lạ, sau đó tôi có trao đổi với một số nghệ nhân khác nhưng không ai biết. Điều đó chúng tỏ “vàng” trong dân gian còn rất nhiều, từ đó tôi nảy ra ý định sưu tầm, ghi lại những câu thai hay. Cứ gặp câu thai nào mới, tôi ghi lại ngay và càng làm lại càng thấy hạnh phúc khi được tiếp cận sâu với bài chòi dân gian.

Khi đưa di sản bài chòi vào trường học, các trường cũng chủ động, nỗ lực sáng tác câu thai phù hợp với học sinh của mình. Ông Trần Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân, cho biết: Chúng tôi sẽ mời NNƯT Nguyễn Thị Hào hướng dẫn học sinh về bài chòi để các em làm quen với loại hình nghệ thuật truyền thống của ông cha. Về câu thai, chúng tôi giao giáo viên dạy nhạc – đã được tập huấn bài chòi, tự viết câu thai phù hợp với học sinh của mình. Trong đó, lồng ghép giới thiệu thêm về đời sống văn hóa, ngành nghề truyền thống của địa phương.


Tác giả: THẢO KHUY
Nguồn:binhdinh.vietnam.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật