|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Ngày 29/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Việc ban hành Nghị quyết nhằm xây dựng và phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng và các địa phương trong vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế; các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao trình độ và thu nhập của người dân, sử dụng có hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau:

Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5 - 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 11,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40,7%, dịch vụ chiếm khoảng 37,5%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành).

Thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20 - 25% cả nước; tốc độ tăng thu nội địa cao hơn 2-3 điểm % so với bình quân của cả nước. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47 - 48%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu khoảng 30%.

Chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn trung bình cả nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần trở lên so với trung bình cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 35 - 40%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%/năm, trong đó tỷ lệ trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Đạt 32 giường bệnh viện/vạn dân; 11 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số;...

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Nghị quyết nêu rõ 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: 

1. Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Xây dựng thể chế liên kết vùng để điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng, liên vùng; phù hợp với định hướng và đặc thù phát triển vùng, tiểu vùng; rà soát, đảm bảo các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả và có kỷ luật, kỷ cương.

3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành để tập trung phát triển các ngành kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển, nhất là các ngành như du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi; các ngành kinh tế biển mới,...

4. Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị vùng có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, sinh thái, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

5. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

6. Phát triển toàn diện văn hoá - xà hội vùng. Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng.

7. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề về an ninh, trật tự, mâu thuẫn nội bộ tại cơ sở không để xảy ra bị động, bất ngờ, hình thành “điểm nóng”, phức tạp về an ninh, trật tự.

8. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.


Tác giả: Nguyễn Vũ Tường
Nguồn:skhdt.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật