A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác y tế dự phòng năm 2011: Lắm thành công, nhiều thách thức

Năm 2011 đánh dấu sự thành công của công tác y tế dự phòng tỉnh khi khống chế thành công các dịch bệnh nguy hiểm và triển khai nhiều hoạt động hiệu quả phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, thách thức về dịch bệnh cũng đang đặt ra cho đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế hệ dự phòng.

1. Những biến đổi phức tạp của môi trường, các thảm họa thiên nhiên cùng sự xuất hiện, trỗi dậy và bùng phát của các dịch bệnh nguy hiểm như tả, cúm A, sốt xuất huyết, chân tay miệng… đã trở thành thách thức trong hoạt động phòng chống dịch bệnh. Trước những thách thức này, công tác phòng chống dịch trong tỉnh đã được ngành Y tế chỉ đạo triển khai theo hướng chủ động, tích cực.

Những kết quả của công tác y tế dự phòng đã đóng góp vào thành công của ngành Y tế trong năm 2011. Việc phòng, chống dịch tay - chân - miệng, sốt rét, cúm A (H1N1)… đã được thực hiện với phương châm chủ động, phát hiện sớm, huy động mọi nguồn lực nhằm bao vây, dập tắt dịch trong thời gian sớm nhất, không để lây lan trên diện rộng và kéo dài, hạn chế thấp nhất tử vong. Chỉ tiêu thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đều đạt.

Đặc biệt, năm 2011 đánh dấu sự thành công của các chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp và ung thư. Ngành Y tế đã tiến hành khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cho 10.521 đối tượng có yếu tố nguy cơ tại 5 huyện Hoài Ân, Tuy Phước, Phù Mỹ, An Nhơn và TP Quy Nhơn; tiếp tục duy trì hoạt động 3 Câu lạc bộ người đái tháo đường tại Quy Nhơn, Tây Sơn, Hoài Nhơn và thành lập mới 5 Câu lạc bộ tại các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Ân. Chương trình phòng chống ung thư cũng thu được kết quả với hàng chục lớp tập huấn, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân và cán bộ đoàn thể, tổ chức xã hội của 16 xã, thuộc 2 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Chương trình phòng chống tăng huyết áp đã tổ chức các đợt khám, tư vấn và cấp 55.009 viên thuốc điều trị tăng huyết áp miễn phí hàng tháng cho bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế...

Ông Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: để có kết quả ấy là nhờ có sự chỉ đạo, hỗ trợ từ Trung ương; sự quan tâm lãnh đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và chỉ đạo đầu tư của ngành, cùng nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ y tế dự phòng.

2. Tuy nhiên, công tác y tế dự phòng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Mô hình bệnh tật đã có nhiều thay đổi so với trước. Nhiều bệnh truyền nhiễm mặc dù đã được khống chế, loại trừ nhưng lại xuất hiện các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm mới, một số bệnh dịch khác có xu hướng gia tăng trở lại. Các bệnh không lây nhiễm gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Mặt khác, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng làm cho diễn biến của dịch bệnh thay đổi, khó nhận định… Ô nhiễm môi trường sống ngày càng nặng nề cộng với thiên tai, thảm họa, lụt bão, cũng có xu hướng xảy ra nhiều, nặng nề hơn làm cho gánh nặng và yêu cầu đáp ứng của y tế dự phòng ngày càng cao hơn. Ngân sách dành cho công tác y tế dự phòng mặc dù có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu về phòng bệnh, phòng chống dịch. Một số chương trình mục tiêu đặt ra chỉ tiêu cao nhưng đầu tư còn quá thấp như phòng chống ung thư, đái tháo đường. Các mức chi của các chương trình mục tiêu nhìn chung là thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế tổ chức các hoạt động, nhất là các hoạt động tại cộng đồng; một số mức chi còn bất cập, chưa rõ ràng gây lúng túng cho các đơn vị sử dụng kinh phí.

Năm 2012, ngành Y tế đặt mục tiêu: Giảm tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết xuống dưới 76,3 ca/100.000 dân, tỉ lệ chết/mắc dưới 0,13%; Phát hiện sớm các chùm ca bệnh nghi cúm A (H1N1), tay-chân-miệng, hạn chế lây lan thành dịch lớn và gây tử vong; không để xảy ra dịch sốt rét, giảm số ca mắc 10% so với năm 2011. Về các bệnh không lây nhiễm: 40% người dân hiểu biết đúng về phòng chống bệnh ung thư, 50% người dân hiểu biết đúng về bệnh tăng huyết áp và các biện pháp phòng, chống...

 

Trong khi đó, tại một số địa phương sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với công tác y tế chưa cao; sự phối hợp của các ngành, đoàn thể với ngành y tế chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả. Kiến thức, thái độ và hành vi về bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đô thị.

3. Y học dự phòng thường được ví là “tuyến phòng ngự” khi dịch bệnh tấn công và chịu nhiều áp lực trong hệ thống y tế. Năm 2012, ngành Y tế đặt mục tiêu chủ động và phát hiện sớm dịch bệnh, kịp thời bao vây, dập tắt, không để dịch xảy ra trên diện rộng và kéo dài. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi để tăng cường sự ủng hộ của cấp ủy đảng, chính quyền và của cộng đồng; nâng cao kiến thức tạo sự chuyển đổi hành vi tích cực về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh của nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế dự phòng.

Điều khiến ông Lê Quang Hùng băn khoăn hiện nay là làm thế nào để công tác y tế dự phòng thu hút được cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, bởi đây là yếu tố quyết định cho chuyên ngành y tế dự phòng phát triển. “Hiện tại, tâm lý của cán bộ trong ngành Y tế và sinh viên ngành y mới ra trường không muốn làm y tế dự phòng do thu nhập ngoài lương hạn chế, điều kiện và phương tiện làm việc khó khăn”, ông Hùng trăn trở.


Tin nổi bật Tin nổi bật