A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định

Chợ truyền thống là nơi trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân, trong đó có nhiều loại thực phẩm như: thịt, cá, rau, quả, hải sản tươi sống, bánh kẹo, nước giải khát, thức ăn chế biến sẵn …, là kênh phân phối lâu đời và có vai trò quan trọng trong phát triển xã hội, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và là nơi thể hiện nét văn hóa rất riêng biệt, đặc trưng của một địa phương góp phần thu hút được khách du lịch đến tham quan mua sắm. Do đó, cần quan tâm, đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao chất lượng ATTP tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh

Hiện nay tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được mua, bán khá đầy đủ các loại hàng hóa, đặc biệt là cung cấp nguồn thực phẩm ổn định, thường xuyên cho người dân tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động tại các chợ truyền thống vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP).
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 21/5/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 59/KH-SCT ngày 07/6/2024 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND; Kế hoạch số 66/KH-SCT ngày 05/7/2024 về việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số cơ sở thực phẩm trong các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh năm 2024 và chủ trì phối hợp với các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở thực phẩm được kiểm tra đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định như: Ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện khám sức khỏe và xác nhận kiến thức về ATTP theo quy định; đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị dụng cụ… Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra nhanh các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với một số mẫu thực phẩm đang kinh doanh tại các cơ sở thực phẩm được kiểm tra tại chợ như: Chỉ tiêu Formol (trong bún tươi, thịt, cá), chỉ tiêu Dầu mỡ ôi khét (trong mẫu dầu ăn đang chế biến thức ăn sẵn), chỉ tiêu Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (trong trái cây). Qua kiểm tra, các mẫu thực phẩm được kiểm tra cho kiểm quả âm tính.
Đồng thời, Đoàn kiểm tra đã kiểm tra các điều kiện cơ sở hạ tầng tại các chợ và làm việc với các Đơn vị quản lý chợ về việc thực hiện nội quy chợ đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ. Qua đó, hầu hết các Đơn vị đã thực hiện sắp xếp, phân khu chức năng thành từng khu vực, bố trí khu vực kinh doanh thực phẩm riêng tạo điều kiện thuận lợi hoạt động kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn tránh nguy cơ lây nhiễm chéo; có hệ thống cấp nước, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ (nguồn nước từ đơn vị cung cấp nước của địa phương); thực hiện tuyên truyền về công tác đảm bảo ATTP đến tất cả tiểu thương trong chợ thông qua hình thức phát thanh tuyên truyền trên loa phát thanh tại chợ; tổ chức kiểm tra nhắc nhở các tiểu thương chấp hành các quy định về ATTP tại các cơ sở, nhắc nhở tiểu thương kinh doanh các loại thực phẩm gia súc, gia cầm cần đảm bảo các sản phẩm kinh doanh phải có dấu kiểm soát giết mổ; thực hiện thu gom, xử lý rác phát sinh tại chợ, tổ chức phun nước rửa khu vực kinh doanh hàng tươi sống sau khi kết thúc hoạt động mua bán vào cuối buổi chợ.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vấn đề quản lý ATTP tại các Chợ truyền thống vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như:
Đối với các cơ sở thực phẩm trong chợ: Hầu hết các cơ sở thực phẩm trong chợ có quy mô nhỏ lẻ, chủ cơ sở chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP do đó việc vận dụng và thực hành kiến thức về ATTP tại cơ sở còn gặp khó khăn.
Đối với các Đơn vị quản lý chợ: Việc thực hiện công tác tuyên truyền về ATTP chủ yếu thông qua hình thức phát thanh tuyên truyền trên loa phát thanh tại chợ, nội dung tuyên truyền còn lồng ghép vào các nội dung tuyên truyền công tác khác; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc chấp hành các quy định về ATTP tại các cơ sở thực phẩm thực hiện chưa thường xuyên, chưa xây dựng Kế hoạch thực hiện.
Đối với điều kiện về cơ sở hạ tầng tại một số chợ được kiểm tra đã xuống cấp, hệ thống thoát nước có dấu hiệu hư hỏng, một số lô, sạp không đủ diện tích kinh doanh. Mặt khác, sự hiểu biết các quy định về ATTP của một bộ phận cán bộ quản lý chợ và các hộ sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn hạn chế và thói quen, sự dễ dãi của một số người tiêu dùng khi mua thực phẩm tại các chợ truyền thống cũng dẫn đến nguy cơ mất ATTP vẫn có thể xảy ra.
Để công tác quản lý về ATTP tại các chợ truyền thống nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, Sở Công Thương đề nghị các cấp, các ngành có liên quan cần quan tâm tăng cường công tác quản lý để từng bước tháo gỡ các khó khăn trong công tác quản lý ATTP tại các chợ truyền thống, cụ thể:
- Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành về ATTP tại các chợ truyền thống, đặc biệt vào các đợt cao điểm về ATTP trong năm.
- Tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn các cơ sở thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành đang hoạt động tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc các quy định về ATTP hiện hành như: duy trì việc khám sức khỏe, tập huấn và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; lập sổ sách, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; quầy sạp phải bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tiểu thương trong chợ tuyệt đối chỉ mua bán những sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuyên truyền đến người tiêu dùng biết và lựa chọn thực phẩm an toàn và nhận thức đầy đủ về các mối nguy từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình.
- Các Đơn vị quản lý các chợ truyền thống trên địa bàn nghiêm túc thực hiện nội quy chợ về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ và các nội dung khác có liên quan.
Bảo đảm ATTP tại các chợ truyền thống là việc hết sức quan trọng nhằm góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần hơn nữa sự tham gia vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, thông tin tuyên truyền, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở thực phẩm, ý thức mỗi người dân về các mối nguy từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm./.


Tác giả: Trần Thị Thanh Thoa
Nguồn:sct.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật