Kết quả công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2020
Ảnh minh họa (Trong ảnh: Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Bình Định đánh giá tình hình, kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 - binhdinh.dcs.vn)
Nhìn chung, các cơ quan tư pháp đã tổ chức thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở, trang bị phương tiện làm việc khang trang, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và thường xuyên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; củng cố, kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Công tác quy hoạch, hướng dẫn, đào tạo, sắp xếp bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ tư pháp được chú trọng đảm bảo sử dụng hiệu quả và ngày càng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ hoạt động của các chế định bổ trợ tư pháp như: Luật sư, công chứng, giám định tư pháp, thừa phát lại, đấu giá tài sản…; quan tâm đầu tư trang bị cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động tư pháp. Công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp được tăng cường thông qua các hoạt động kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh sai sót. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp được chú trọng thực hiện. Theo đó, đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh không ngừng được bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng. Số lượng công chứng viên, giám định viên, luật sư được bổ nhiệm tăng lên và ngày càng trẻ hóa đội ngũ, có tâm huyết với nghề.
Các cơ quan nội chính và các cơ quan liên quan đẩy mạnh phối hợp trong việc chủ động nắm, dự báo tình hình vi phạm, tội phạm, tham mưu cho cấp ủy tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách tư pháp.
Công tác giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh được tăng cường, tập trung vào những vấn đề nổi cộm được dư luận, xã hội quan tâm, chất lượng công tác giám sát ngày càng được nâng lên.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh về công tác cải cách tư pháp. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp, công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ tư pháp. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng, phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Theo dõi, quản lý hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức giám định tư pháp, tư vấn pháp luật, tổ chức đấu giá tài sản, thừa phát lại; giải quyết kịp thời, nhanh chóng các yêu cầu của công dân, tổ chức theo quy định của pháp luật; tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp để kịp thời chấn chỉnh những sai sót, vi phạm. Quan tâm chỉ đạo giải quyết công tác tư pháp địa phương; tập trung phát hiện, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập, yếu kém trong hoạt động của ngành, đặc biệt là cấp cơ sở. Trong chỉ đạo và điều hành bám sát kế hoạch, linh hoạt trong từng việc cụ thể; lấy hiệu quả tác động kinh tế - xã hội trên địa bàn làm thước đo đánh giá chất lượng công tác tư pháp, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong ngành. Tăng cường công tác cải cách hành chính, trọng tâm là giải quyết nhanh các thủ tục hành chính thuộc ngành tư pháp, cải tiến lề lối làm việc, đưa các hoạt động đi vào nền nếp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Kim Loan