Không bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao
Trong bộn bề khó khăn của năm 2023, Việt Nam vẫn đạt kết quả rất ấn tượng trong hợp tác đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới lên đến 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% và vốn giải ngân ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Ảnh minh họa.
Ðây là nền tảng tốt để Việt Nam có thể tạo sự chuyển biến về chất lượng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi làn sóng mới được dự kiến sẽ hình thành trong năm 2024.
Ðược ví như ngôi sao đang lên trong thu hút vốn FDI ở lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam đang có sức hút lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư tại châu Á. Sức hút của Việt Nam không chỉ đến từ sự ổn định về chính trị, lợi thế chi phí nhân công rẻ, khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong cơn biến động toàn cầu, tăng trưởng kinh tế có triển vọng với quy mô dân số lên đến 100 triệu dân, mà còn được bồi đắp bởi những hiệu ứng lớn đến từ những kết quả nổi bật trong quan hệ ngoại giao với các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... diễn ra năm 2023. Hơn nữa, trong nhiều phân tích gần đây, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhấn mạnh đến vị thế của Việt Nam với vị trí địa lý gần các chuỗi cung ứng công nghệ cao của châu Á, và là một quốc gia trong nhóm ít chịu rủi ro bị áp thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Trước những thay đổi lớn đang diễn ra trong môi trường đầu tư quốc tế, Quốc hội Việt Nam đã thông qua việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu) từ ngày 1.1.2024. Ðáng chú ý, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng cơ sở, hạ tầng mềm, nguồn nhân lực, hệ sinh thái doanh nghiệp... để sẵn sàng đón sóng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, trong đó chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời thành lập Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và ba khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Ðà Nẵng với cơ chế ưu đãi cao để thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại đặt ra khi tốc độ cải cách môi trường kinh doanh chưa đáp ứng được mong đợi, nguồn nhân lực kỹ thuật cao còn thiếu, công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế… khiến nhà đầu tư vẫn phải cân nhắc trước khi quyết định rót vốn.
Ðể thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao có thể dội vào trong một đợt sóng mới, bên cạnh những lợi thế vượt trội, Việt Nam cần chủ động hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, bởi điều đặc biệt của làn sóng đầu tư lần này là thời điểm để ra quyết định đầu tư rất ngắn trong khi mức độ cạnh tranh thu hút vốn giữa các quốc gia trong khu vực rất gay gắt. Nếu không đủ mức độ sẵn sàng, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội.