Làm thực chất, cụ thể hóa từng đầu việc chuyển đổi số
Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh, tại cuộc họp Ban chỉ đạo CĐS tỉnh về đánh giá công tác điều hành CĐS trong năm 2023 và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện kế hoạch CĐS trong năm 2024, diễn ra sáng 18.1, tại trụ sở UBND tỉnh.
Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo CĐS tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Dự cuộc họp còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo CĐS tỉnh.
Theo đánh giá, năm 2023, hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặt hái những kết quả tích cực trên 9 nhóm công tác: Truyền thông, thúc đẩy CĐS; rà soát, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách về CĐS; hạ tầng số; xây dựng, nâng cấp các nền tảng số, phát triển dữ liệu số; nhân lực CĐS; an toàn thông tin mạng; chính quyền số; kinh tế số; xã hội số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động CĐS vẫn còn một số hạn chế, như: Việc chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn chưa có giải pháp thực sự hiệu quả. Các hệ thống thông tin quy mô quốc gia được đầu tư phân tán tại địa phương với rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ nên việc triển khai nâng cấp, điều chỉnh cần rất nhiều thời gian để thực hiện. Việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản tại các địa phương triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến lộ trình triển khai nhiệm vụ CĐS.
Năm 2024, Ban chỉ đạo CĐS tỉnh đưa ra kế hoạch CĐS toàn tỉnh với nhiều nhiệm vụ, giải pháp dựa trên mục tiêu chung: Xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, đồng bộ; ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng và nâng cao an toàn thông tin. Phát triển chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu nâng cao chỉ số CĐS (DTI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).
Ban chỉ đạo CĐS tỉnh cũng đưa ra mục tiêu cụ thể ở từng lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cùng với 12 nhóm nhiệm vụ, gồm: Rà soát, hoàn thiện thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, nhận thức số, nền tảng số cơ bản, dữ liệu số, an toàn thông tin mạng, DN công nghệ số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng không gian trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ số.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh việc thực hiện CĐS phải hết sức tiết kiệm, quan điểm của tỉnh thuê hạ tầng là chính và hạn chế mua sắm đầu tư. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đánh giá công tác CĐS trong năm 2023 tuy đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, như: Cán bộ, công chức, viên chức dùng văn bản giấy còn nhiều, ít sử dụng, đọc văn bản trên email. Hạ tầng mạng công nghệ thông tin chưa ổn, nhất là đường truyền kết nối còn thiếu, yếu; trang thiết bị, máy móc chưa đầu tư đồng bộ; còn tình trạng lõm sóng. Việc khai thác thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, phân tán...
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo, năm 2024, tập trung triển khai công tác CĐS theo định hướng của Ủy ban Quốc gia CĐS, là năm phổ cập hạ tầng số và ứng dụng số, để thúc đẩy kinh tế số, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Hạ tầng số gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu…, do đó công tác CĐS trong năm của tỉnh phải làm thực chất, trong đó tập trung hoàn thiện dữ liệu số để khai thác, chia sẻ; đồng thời phổ cập hạ tầng số dựa trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trước mắt, Sở TT&TT với chức năng là cơ quan tham mưu của UBND tỉnh về CĐS phải cụ thể hóa từng đầu việc CĐS đến từng ngành, từng địa phương. Muộn nhất, trong quý I/2024 phải có kế hoạch triển khai chi tiết, dựa trên chỉ tiêu giao cụ thể của từng sở, ngành, địa phương. Các sở, ngành, địa phương phải rà soát các nhiệm vụ CĐS, đăng ký với Sở TT&TT để xem xét, góp ý và thống nhất trước khi triển khai. Tiếp tục đầu tư hệ thống đài truyền thanh thông minh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, các sở, ngành và địa phương liên quan cần triển khai xây dựng hiệu quả đô thị thông minh ở TX An Nhơn và TP Quy Nhơn. Tiếp tục thực hiện nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, thương mại điện tử, hóa đơn điện tử, hải quan thông minh, cảng thông minh, y tế thông minh (lấy BVĐK tỉnh làm mẫu)… Đồng thời, hoàn thành Trung tâm điều hành dữ liệu tập trung, trên cơ sở này có giải pháp phân tích, báo cáo phục vụ công tác quản lý, điều hành phát triển KT-XH. Trong xã hội số, tiếp tục chú trọng đến vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng, có giải pháp tăng nhanh chữ ký số, tài khoản số, smartphone, thuê bao.
“CĐS phải hết sức tiết kiệm, quan điểm của tỉnh thuê hạ tầng là chính và hạn chế mua sắm đầu tư”, người đứng đầu chính quyền tỉnh chốt vấn đề.