|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người “giữ lửa” văn hóa truyền thống ở vùng cao Bình Định

Những điệu khèn, tiếng trống K’toang, hay nhịp cồng chiêng trầm bổng hoà quyện cùng điệu múa xoang của các chàng trai, cô gái Chăm Hroi, Ba Na, Hrê… từ lâu đã được xem là một “đặc sản” văn hóa của người dân vùng cao Bình Định tiếp đón khách quý đến thăm làng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang động viên nghệ nhân, nghệ sĩ trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Đam mê nhạc cụ truyền thống

Chúng tôi gặp Nghệ nhân Đinh Văn Đem (54 tuổi) người Ba Na, ở huyện Vĩnh Thạnh trong một chương trình giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các DTTS được tổ chức tại huyện miền núi Vân Canh hồi cuối tháng 6 vừa qua. Ông được xem là một trong những “di sản sống” của người dân ở vùng cao Vĩnh Thạnh, với phong cách chơi đàn cực kỳ điệu nghệ.

Từ nhỏ, ông được học đàn T’rưng từ những người lớn tuổi trong làng. Đến năm 12 tuổi, ông đã thành thạo cách chơi, nghệ thuật trình diễn trên sân khấu. Hơn 30 năm qua, trong những buổi văn nghệ ở địa phương cho đến các sân khấu lớn ở những buổi liên hoan văn hóa thể thao cấp tỉnh, dường như chưa từng thiếu ông tham gia. Ngoài chơi đàn T’rưng, ông Đem cũng là “tay chơi” cồng, chiêng lão luyện. Đôi tay gầy, nhưng nhịp gõ cồng, chiêng rất chắc.

“Đàn T’rưng mỗi khi cất nhịp róc rách như tiếng suối đổ, đôi khi là tiếng xào xạc của tiếng cây rừng, nhiều khi là lời tự sự… nhịp nhàng theo tâm tình con người. Người Ba Na thường dùng đàn T’rưng hòa âm với các loại nhạc cụ khác để làm thăng hoa thêm những điệu múa xoang của các thiếu nữ trong lễ hội. Hiện nay, ở địa phương còn ít người chơi đàn này, nên tôi cố gìn giữ và truyền lại cho giới trẻ”, ông Đem chia sẻ.

Tương tự, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương (58 tuổi) cũng là một trong số ít người đến nay còn biểu diễn và truyền thụ nhạc cụ dân tộc đến với các bạn trẻ người DTTS ở Vân Canh. Đặc biệt, bà còn là một trong những nghệ nhân nữ “độc nhất vô nhị” biểu diễn thuần thục trống K’toang, một loại nhạc cụ độc đáo của người Chăm Hroi, hầu như chỉ có đàn ông biểu diễn.

“Gõ trống thì dễ, nhưng để làm người xem thích thú thì rất khó. Người trẻ hiện nay cũng ít mặn mà. Chính vì vậy, việc truyền dạy nhạc cụ, trong đó có trống K’toang cho thế hệ trẻ là điều hết sức cần thiết”, bà Hương trăn trở.

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Không chỉ có trống K’toang, đàn T’rưng, hiện nay đồng bào DTTS ở Bình Định còn lưu giữ rất nhiều những sản phẩm văn hóa độc đáo khác, trong đó có thể kể đến như múa xoang, hát dân ca, hát ru và hàng chục các nghi thức, lễ hội trong cộng đồng.

Mê hát ru từ nhỏ, Đinh Thị Rơ (17 tuổi) người Ba Na ở huyện Vân Canh đã tham gia nhiều sự kiện liên hoan văn hóa văn nghệ trên địa bàn. Đinh Thị Rơ cho hay: Nhờ những lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về múa xoang, hát dân ca, nên lớp trẻ tụi em cũng học hỏi được nhiều. Riêng em, vì được nghe mẹ và bà hát ru, lớn lên được tham gia các hoạt động lễ hội, hội thi, nên em tự tin hơn khi biểu diễn. Em vui vì mình được kế thừa, thực hành đóng góp vào việc quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Nói về giữ gìn các nét đẹp văn hóa trên địa bàn, ông Sô Lan Tài, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Canh trăn trở: Hiện nay đồng bào ở các xã như Canh Liên, Canh Thuận còn lưu giữ rất nhiều bộ cồng chiêng cổ, tuy nhiên số người biểu diễn cũng ngày một ít đi. Do đó, địa phương có nhiều chính sách, mở nhiều lớp tập huấn trao truyền nhạc cụ dân tộc và dạy nghề truyền thống, nhằm giữ gìn những tinh hoa của cha ông để lại.

Còn ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho rằng: Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch, huyện đã và đang phối hợp với các sở, ban, ngành tái hiện Lễ mừng cốm mới, nghề dệt thổ cẩm của cộng đồng người Ba Na. “Ngoài ra, huyện đã mở các lớp tập huấn truyền dạy nghề chỉnh sửa cồng chiêng, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, đàn T’rưng… và đang lên kế hoạch làm phim tài liệu về trường ca Hơ mon”, ông Bảo chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên về định hướng bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS, gắn với phát triển du lịch, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa to lớn trong khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi tỉnh Bình Định. Đây được kỳ vọng là lực đẩy để giúp các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS.


Tác giả: T.Nhân - H.Trường
Nguồn:baodantoc.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật