A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy hoạch phát triển khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn: Góp phần quản lý, bảo vệ rừng bền vững

Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn Bình Định (thuộc Sở NN-PTNT) vừa hoàn thành khảo sát, điều tra, nghiên cứu, đánh giá các giá trị đa dạng sinh học rừng đầu nguồn đặc dụng An Toàn (huyện An Lão) làm cơ sở lập quy hoạch Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) An Toàn đến năm 2020. Theo đó, rừng đầu nguồn đặc dụng An Toàn có hệ sinh thái động thực vật khá phong phú, với nhiều loài động thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Hệ sinh thái phong phú

Sau hơn 2 năm khảo sát, điều tra, nghiên cứu hệ sinh thái động thực vật rừng đầu nguồn xã An Toàn, đến nay, Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn tỉnh đã hoàn tất báo cáo quy hoạch KBTTN An Toàn  để trình UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT phê duyệt. Theo quy hoạch, KBTTN An Toàn có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 22.450 ha. Trong đó, độ che phủ của thảm thực vật hiện nay là 19.832,3 ha, chiếm 88,3% tổng diện tích tự nhiên khu bảo tồn, gồm rừng tự nhiên 19.784 ha, chiếm 88,1%.

Cũng qua điều tra, ngành chức năng đã thống kê tại khu vực rừng đầu nguồn đặc dụng An Toàn có tất cả 547 loài thực vật thuộc 304 chi và 110 họ trong 3 ngành: hạt trần, hạt kín và khuyết thực vật. Trong đó, có 4 loài thực vật thuộc loại đặc hữu, 10 loài thực vật thuộc loại quý hiếm bị đe dọa cần được bảo vệ gồm các loại cây như ba gạc lá to, cà te, giáng hương, thuần phục, ngải cau, trầm hương, trắc mật, vằng đắng, dương xỉ thân gỗ, lan kim điệp…

Về động vật đã thống kê được 92 họ của 28 bộ với 300 loài. Trong đó, thú có 83 loài, chim 141 loài, bò sát có 47 loài và lưỡng thê có 29 loài. Về yếu tố đặc hữu, tại các khu vực rừng đầu nguồn đặc dụng An Toàn có 14 loài đặc hữu, gồm thú có 5 loài, chim 3 loài, bò sát 2 loài, lưỡng thê 4 loài. Đáng chú ý là tại khu vực này có 72 loài động vật rừng quý hiếm bị đe dọa cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong đó, 2 đối tượng là vượn má hung và chà vá chân xám sinh sống tại các khu rừng đầu nguồn An Toàn được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Ông Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn tỉnh, cho biết: Rừng đầu nguồn đặc dụng An Toàn ngoài những giá trị về đa dạng sinh học, động thực vật phong phú, còn là khu vực rừng nguyên sinh có chức năng về phòng hộ môi trường sinh thái rất quan trọng của tỉnh; phòng hộ cho hồ chứa nước Định Bình và nhiều công trình thủy điện quan trọng đã và đang xây dựng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

Bên cạnh đó, hệ thống sông suối, thác ghềnh tại các khu vực rừng đầu nguồn An Toàn làm nên những cảnh quan hấp dẫn, có giá trị lớn về tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai. Tiêu biểu là thác nước Dekrun tại tiểu khu 36 với độ cao trên 40m và thác nước Đầu Rồng tại tiểu khu 42, nếu được đầu tư khai thác tốt sẽ góp phần phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. Ngoài ra, với độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, khí hậu tại An Toàn luôn mát mẻ, với núi rừng đại ngàn, cảnh quan hùng vĩ… là tiềm năng phát triển du lịch.

Sẽ thành lập KBTTN An Toàn

Ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Việc quy hoạch KBTTN An Toàn nhằm bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng đầu nguồn ngày càng tốt hơn, bảo vệ nhiều loài động thực vật rừng có nguồn gen đặc hữu, quý hiếm và các loài đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Bên cạnh đó, việc quy hoạch KBTTN An Toàn nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư để bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn nhằm tăng độ che phủ rừng đầu nguồn, tăng chất lượng rừng để phát huy khả năng phòng hộ môi trường, bảo vệ nguồn nước cho các hồ đập thủy lợi, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Việc hình thành KBTTN An Toàn còn góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân địa phương thông qua các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Chính phủ…

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã đi kiểm tra việc quy hoạch phát triển KBTTN An Toàn. Qua đó, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh nhanh chóng hoàn thành công tác quy hoạch phát triển KBTTN An Toàn để trình UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT phê duyệt; sớm thành lập KBTTN An Toàn trong thời gian sớm nhất. UBND huyện An Lão và Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn cần tăng cường công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân địa phương, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp dưới tán rừng… nhằm đảm bảo đời sống cho người dân địa phương. Các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, nhất là những người dân sống trong vùng lõi và vùng đệm của rừng đầu nguồn đặc dụng An Toàn, về bảo vệ rừng, hạn chế tình trạng chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã; chú trọng phòng cháy chữa cháy rừng…


Tin nổi bật Tin nổi bật