|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công

Hiện nay, Sở KH&ÐT đang đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo Chỉ thị số 02/2024 của UBND tỉnh. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn Giám đốc Sở KH&ÐT Lê Hoàng Nghi xung quanh vấn đề này.

 Xin ông cho biết tiến độ thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công tại Bình Định?

- Bình Định xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024; đồng thời xác định vốn đầu tư công là “vốn mồi”, đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác để phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trên tinh thần đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã phân giao các nguồn vốn và ban hành Chỉ thị số 02/2024 yêu cầu đến hết quý III/2024 toàn tỉnh phải giải ngân đạt trên 60% tổng kế hoạch vốn năm 2024; đến hết quý IV/2024 đạt trên 90%; đến hết ngày 31.1.2025 phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2024.

Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, công tác giải ngân vốn đầu tư của tỉnh đạt kết quả tốt. Đến ngày 31.8 giá trị giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 5.240,1 tỷ đồng. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (7.865,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 66,62%, cao hơn mức bình quân cả nước (37,01%); so với kế hoạch HĐND tỉnh giao (9.467,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 55,35%, cao hơn 2,63% so với cùng kỳ năm trước.

• Quá trình triển khai nhiệm vụ, chắc hẳn Sở KH&ĐT đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Quá trình giám sát, theo dõi thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong thời gian qua, Sở KH&ĐT rút ra 4 bài học kinh nghiệm lớn.

Tiến độ thi công dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dự án tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh đến đường ven biển trên địa bàn huyện Phù Mỹ đảm bảo yêu cầu của UBND tỉnh. Ảnh: T.SỸ

Thứ nhất là chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về giao kế hoạch đầu tư công từ cuối năm trước và tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh phân giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện. Điều này là rất cần thiết, vì ngoài các dự án đã triển khai thực hiện, thủ tục để triển khai các dự án mới cần khá nhiều thời gian, từ công tác đấu thầu, đến các khâu triển khai dự án. Nếu không làm tốt nhiệm vụ này, các chủ đầu tư rất khó đáp ứng được các mốc thời gian giải ngân.

Thứ hai là cần tạo sự chủ động, linh hoạt gắn liền với trách nhiệm của từng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong giải ngân đầu tư công. Điều này thể hiện rất rõ trong việc phân giao trách nhiệm giải ngân vốn của UBND tỉnh và việc điều hành, phân bổ linh hoạt kế hoạch vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng sang các dự án có tiến độ thực hiện tốt, nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch cả năm được HĐND tỉnh giao.

Thứ ba là đồng hành cùng các chủ đầu tư trong công tác thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn. Thực tế, thời gian qua Sở KH&ĐT gửi nhiều văn bản đề nghị các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân vốn, cam kết giải ngân kế hoạch năm 2024 theo từng mốc thời gian cụ thể, nhiệm vụ của các chủ đầu tư đối với từng dự án. Cùng với đó là bám sát tình hình thực hiện dự án, cùng chủ đầu tư kiểm tra, giám sát, đánh giá, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn trong quá trình thực hiện, từ đó đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn của từng đơn vị.

Thứ tư là cần phải kiên quyết, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp vì các nguyên nhân chủ quan. Điều này là cần thiết, vì qua kiểm tra thực tế vẫn có một số chủ đầu tư mặc dù đã được phân bổ nguồn vốn ngay từ đầu năm hoặc đã được thông báo vốn cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp, nhưng vẫn còn chủ quan chưa có khối lượng để thanh toán hoặc lên phiếu giá chưa kịp thời để thanh toán kế hoạch vốn, dẫn đến không đạt tỷ lệ giải ngân theo các mốc thời gian được quy định. 

 Để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đã được Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao, tới đây tỉnh sẽ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?

- Theo kế hoạch đã được HĐND tỉnh giao, phần kế hoạch còn lại - khoảng 4.224 tỷ đồng, bao gồm 3.600 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh và 624 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương - cần phải giải ngân hết trong 4 tháng cuối năm 2024. Về cơ bản, phần kế hoạch vốn còn lại chủ yếu bố trí cho các dự án chuyển tiếp thuộc lĩnh vực giao thông sẽ hoàn thành năm 2024 và quý II/2025. Hiện nay, phần lớn các dự án đã có khối lượng thanh toán, nhưng do nguồn thu tiền sử dụng đất trong các tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch đã đề ra, nên một số dự án trọng điểm của tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu nguồn lực để thanh toán. Nếu đảm bảo về nguồn thu tiền sử dụng đất theo dự toán được giao thì nhiều khả năng tỉnh sẽ giải ngân hết phần kế hoạch vốn còn lại.

Các nhà thầu đang tăng tốc thi công tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân. Ảnh: T.SỸ

Với quyết tâm cùng cả nước đảm bảo mục tiêu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm phải phấn đấu tăng thu từ nguồn sử dụng đất để đảm bảo nhiệm vụ chi đầu tư công theo kế hoạch vốn năm 2024 đã được HĐND tỉnh thông qua. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các nội dung đẩy mạnh giải ngân theo chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh; cương quyết điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với các dự án giao đầu năm nhưng chưa hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu, dự án có tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo tinh thần của Chỉ thị 02/2024 của UBND tỉnh, báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh.

Bên cạnh đó, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, trong đó cần bám sát cơ sở, giải quyết kịp thời, triệt để những bất cập phát sinh; nghiên cứu và có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, tác động đối với phát triển KT-XH của tỉnh.

Mặt khác, đẩy nhanh công tác thẩm định chuyên ngành đối với các dự án khởi công mới và các dự án điều chỉnh; gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra chậm trễ. Trường hợp cần thiết, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác cấp tỉnh đôn đốc tình hình triển khai, giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải ngân hoặc báo cáo HĐND tỉnh các nội dung cần điều chỉnh kế hoạch theo thẩm quyền.

 Xin cảm ơn ông!


Tác giả: PHẠM TIẾN SỸ
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật