A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030: Thiết thực, hiệu quả, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực

Kế hoạch số 105-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Ðảng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực.

Đồng chí Nguyễn Giờ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết theo Kế hoạch số 105-KH/TU, đại hội đảng các cấp thực hiện 4 nội dung: Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025 - 2030; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và báo cáo chính trị đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp; bầu ban chấp hành đảng bộ (chi bộ) nhiệm kỳ 2025 - 2030; bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.

Đồng chí Nguyễn Giờ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, phát biểu về công tác triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Ân, ngày 21.8.2024.  Ảnh: H.PHÚC

● Để thực hiện tốt các nội dung đó, Kế hoạch số 105-KH/TU đặt ra những yêu cầu chủ yếu nào, thưa đồng chí?

- Đầu tiên, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tổ chức quán triệt và thực hiện đúng các yêu cầu, nội dung của Chỉ thị số 35-CT/TW; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy các cấp. Bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng báo cáo chính trị đại hội đảng bộ các cấp; tập trung lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp.

Báo cáo chính trị phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Đồng thời, tiếp thu những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, của cấp trên trực tiếp, dự báo được tình hình để đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, chú ý các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm với tầm nhìn dài hạn.

● Bên cạnh chuẩn bị chu đáo các văn kiện, công tác nhân sự cũng có vai trò rất quan trọng đối với từng đại hội. Xin đồng chí cho biết những lưu ý cụ thể đối với công tác này?

- Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định. Bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, tăng cường ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực quan trọng. Đánh giá cán bộ phải toàn diện, khách quan, thực chất, đúng quy định, đúng thẩm quyền; lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác và uy tín của cán bộ làm thước đo, tiêu chí cơ bản để đánh giá.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ “sót” những người thật sự có đức, có tài; đồng thời, kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”...

Việc chuẩn bị nhân sự cần kết hợp hài hòa giữa nguồn nhân sự tại chỗ với việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến. Các địa phương, cơ quan, đơn vị có cơ cấu cấp ủy nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ thì cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, điều động nhân sự từ nơi khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị để giới thiệu, chỉ định tham gia cấp ủy hoặc bổ sung sau đại hội.

Đáng chú ý, sẽ thực hiện 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác. Cơ bản thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở các cấp. Thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện.


Tác giả: MAI LÂM
Nguồn:binhdinh.dcs.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật