|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định chủ động ứng phó thiên tai: Sớm chuẩn bị kỹ lưỡng!

Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai dự kiến xảy ra từ nay đến cuối năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), cho biết, hệ thống phần mềm Quản lý thiên tai của tỉnh đã cập nhật thông tin của hơn 403.460 hộ dân với hơn 1,4 triệu người. Đặc biệt, hơn 281 nghìn người trong số này thuộc nhóm dễ bị tổn thương, cần được hỗ trợ khi thiên tai xảy ra.

Một trong những nhiệm vụ cấp thiết là xác định những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, sạt lở đất. Các vùng núi và ven sông ở Bình Định luôn là những điểm nóng cần chú ý, khi các đợt mưa lũ có thể gây sạt lở đất đá nghiêm trọng. Những địa phương như Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, hay một số khu vực cao ở TP Quy Nhơn và huyện Phù Cát được xem là “nhạy cảm” và phải được giám sát đặc biệt. Để đối phó, các phương án di dời dân cư đã được thiết lập rõ ràng, từ sơ tán khẩn cấp đến chuyển dân về nơi an toàn ngay khi có cảnh báo gió bão, lũ lụt.

Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án sơ tán chi tiết cho từng cấp độ thiên tai. Ví dụ, với cơn bão trên cấp 14, hàng trăm hộ dân ở xã Cát Thành sẽ được di dời tới các điểm an toàn như trường học, nhà văn hóa hoặc vào nhà của các hộ dân kiên cố khác”.

Cùng với việc chú trọng bảo vệ con người, các biện pháp đảm bảo an toàn hạ tầng như hệ thống thông tin liên lạc, điện, cây xanh, khai thông dòng chảy, vật cản trên sông suối, dự trữ lương thực, thuốc men… cũng được tỉnh ta triển khai quyết liệt. Tất cả nhằm đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại khi bão đổ bộ hoặc mưa lớn gây ngập lụt.  

Bảo vệ tàu thuyền tránh bão

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình trên đất liền, tỉnh Bình Định cũng đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng cho các phương tiện đánh bắt trên biển. Khi có thông báo về bão hoặc áp thấp nhiệt đới, các lực lượng sẽ ngay lập tức thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng để họ chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc quay về các cảng gần nhất. Toàn tỉnh hiện có 3 khu neo đậu tàu cá lớn tại đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn), Đề Gi (huyện Phù Cát) và Tam Quan (TX Hoài Nhơn), với tổng sức chứa là hơn 5.200 tàu.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu đơn vị quản lý các khu neo đậu tàu cá phải trực 24/24 giờ để theo dõi thời tiết và tình hình tàu thuyền trên biển. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phối hợp với lực lượng biên phòng và các đơn vị liên quan để thông báo kịp thời, đảm bảo an toàn cho ngư dân”.

Ngoài các tàu cá, vấn đề neo đậu an toàn cho các tàu hàng tại Cảng Quy Nhơn cũng được chú trọng. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đã chuẩn bị phương án sắp xếp các tàu neo đậu phù hợp trước 24 giờ khi bão đến, đồng thời phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II và IV, cùng các cơ quan liên quan để sẵn sàng cứu nạn trong trường hợp cần thiết.

Với những biện pháp phòng ngừa toàn diện và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, Bình Định đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho mùa thiên tai năm 2024. Ông Phúc khẳng định: “Công tác ứng phó với thiên tai của tỉnh đã cơ bản hoàn tất, đáp ứng được yêu cầu đề ra, sẵn sàng bảo vệ an toàn cho người dân và tàu thuyền trong mọi tình huống”. 


Tác giả: TRỌNG LỢI
Nguồn:vietnam.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật