A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn liền với nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức là lĩnh vực có kết quả đáng kể nhất của ngành Nội vụ giai đoạn 2015 - 2020, và tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Trong đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính là giải pháp quan trọng để đảm bảo chất lượng thực thi công vụ.

Dấu ấn cải cách tổ chức bộ máy và biên chế

Thông tin tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết giai đoạn 2016 - 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Nội vụ được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế là thành công nổi bật của ngành thời gian qua.

Nâng cao ý thức phục vụ nhân dân là yêu cầu quan trọng đối với người thực thi công vụ.

- Trong ảnh: Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa của UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh.

“Tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, nhất là đầu mối bên trong của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; việc đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương bước đầu đạt được kết quả tích cực; chính sách tinh giản biên chế vượt chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng. Công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ có nhiều đổi mới, đạt kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới”, Thứ trưởng đánh giá.

5 năm qua, bộ máy tại các bộ, ngành Trung ương giảm 12 vụ và tương đương. Ở địa phương, các cơ quan chuyên môn giảm 5 tổ chức; giảm 973 phòng, 127 chi cục; giảm 1.179 phòng thuộc chi cục. Ở cấp huyện, giảm 294 cơ quan chuyên môn. Trong khi đó, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 giảm 10% so với năm 2015, đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo nghị quyết của Đảng. Biên chế sự nghiệp năm 2021 giảm 11,9% so với năm 2015, vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10%.

Tại Bình Định, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long cho hay, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo sắp xếp kiện toàn tổ chức, bộ máy bên trong các sở, ngành, UBND cấp huyện. So với năm 2015, toàn tỉnh đã giảm 54 tổ chức (20 phòng, 3 chi cục trực thuộc sở, 31 phòng thuộc chi cục và tương đương); giảm 20 lãnh đạo cấp chi cục (3 cấp trưởng, 17 cấp phó); giảm 47 cấp trưởng, phó phòng thuộc sở (14 trưởng phòng, 33 phó phòng); giảm 52 trưởng, phó phòng thuộc chi cục/ban (31 trưởng phòng, 21 phó phòng).

Bên cạnh đó, đến năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện tinh giản 250/2.525 biên chế công chức, đạt tỷ lệ 10% và 3.008/30.028 biên chế viên chức, đạt tỷ lệ 10% so với năm 2015, đảm bảo theo quy định.

Tăng cường kiểm tra công vụ

Bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mới chỉ tập trung vào việc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Trình độ, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Một số địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc chờ đợi xem các bộ, ngành và địa phương khác thực hiện thế nào mới triển khai.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đáng lo ngại là bộ máy tổ chức vẫn còn cồng kềnh, tình trạng “cát cứ” vẫn xảy ra. “Các bộ, ngành phối hợp với nhau thì rất tốt, nhưng trong nội bộ lại lòng vòng. Thời buổi hội nhập, cạnh tranh, chỉ chậm một chút là mất cơ hội ngay. Bên cạnh đó, trật tự, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; không kiểm điểm, không xử lý kỷ luật ai cả, dẫn đến “trên nói dưới không nghe””, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; có cơ chế lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không đáp ứng được yêu cầu công việc và vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ. “Phải xử lý ngay tình trạng nhũng nhiễu, dùng kỹ xảo kéo dài thời gian giải quyết công việc, cứ phải “nháy nháy” mới được việc. Dân tin, dân yêu thì đất nước mới phát triển được”, đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý.

Với ngành Nội vụ Bình Định, ông Trịnh Xuân Long cho hay, giải pháp quan trọng trong năm 2021 này cũng là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu trong việc đổi mới phong cách, phương thức làm việc, đề cao chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và điều hành. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức trong phạm vi quản lý; xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.

Bài, ảnh: MAI LÂM (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật