|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường quản lý nhà nước về VSATTP

(binhdinh.gov.vn) Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh luôn được các ngành chức năng chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước về VSATTP. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định đã có cuộc trao đổi với Phó Trưởng ban thường trực BCĐ liên ngành về VSATTP tỉnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung xoay quanh vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung -  Phó trưởng ban thường trực BCĐ liên ngành về VSATTP tỉnh - Phó Giám đốc Sở Y tế

Xin bà cho biết tình hình công tác đảm bảo VSATTP thời gian qua, đặc biệt là trong tháng hành động năm 2015?

Hiện nay, vấn đề VSATTP đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội, chất lượng VSATTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người dân mà còn liên quan trực tiếp đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế xã hội. Do đó, công tác đảm bảo VSATTP tại địa bàn tỉnh luôn được các cấp chính quyền và các ngành quan tâm phối hợp.

Hàng năm, ngoài các hoạt động thường xuyên đảm bảo chất lượng về VSATTP, trong tháng hành động năm 2015, UBND tỉnh, BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai Kế hoạch Tháng hành động vì ATTP; tổ chức tuyên truyền về ATTP cho các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các cơ sở thực phẩm; đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản cho cán bộ phụ trách công tác quản lý chất lượng, ATTP tại địa phương, đơn vị, chủ các cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; cấp giấy chứng nhận VSATTP cũng được thực hiện thường xuyên.

Vừa qua, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm VSATTP, tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra được thành lập 187 đoàn tiến hành kiểm tra 2.198/8.039 cơ sở hiện có. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 29 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP với tổng số tiền trên 48 triệu đồng, số cơ sở vi phạm nhưng chỉ nhắc nhở 259 cơ sở và xét nghiệm 85 mẫu đạt yêu cầu VSATTP. Từ đầu năm đến nay không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Công tác bảo đảm VSATTP được triển khai trên toàn tỉnh giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có trách nhiệm hơn và người tiêu dùng quan tâm ý thức hơn trong sử dụng thực phẩm an toàn.

Công tác quản lý nhà nước về VSATTP tồn tại những khó khăn, hạn chế nào? Thưa bà!

Trong công tác quản lý nhà nước về VSATTP, mặc dù có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh đến BCĐ các huyện, xã tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Hiện nhân sự BCĐ liên ngành về VSATTP các cấp thường thay đổi, do đó việc triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP có lúc chưa kịp thời và thường xuyên. Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra ATTP còn thiếu, cán bộ làm công tác ATTP tuyến xã chủ yếu là kiêm nhiệm. Mặt khác, do thiếu kinh phí và nhân lực nên hoạt động của BCĐ tuyến huyện, thị xã, thành phố, tuyến xã, thị trấn chưa duy trì thường xuyên, chủ yếu chỉ diễn ra vào các đợt cao điểm theo chỉ đạo cấp trên. Đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, cá thể hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ, có mức thu nhập thấp, có địa chỉ không ổn định điều này  đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Đặc biệt, là hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, hiện một số huyện vẫn chưa có cơ sở giết mổ tập trung, chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, các cơ sở này được kiểm tra vệ sinh thú y thường xuyên bởi trạm thú y huyện, nhưng một số điều kiện giết mổ không bảo đảm gây bức xúc cho người dân do ô nhiễm môi trường và cũng là mầm mống cho dịch bệnh bùng phát khi có điều kiện.

Về hoạt động sản xuất, kinh doanh rau củ quả an toàn trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ tại các chợ trên địa bàn huyện, chỉ có một số ít tổ sản xuất rau an toàn tại các huyện nhưng không đủ cung cấp cho người tiêu dùng, các huyện chưa kiểm soát được nguồn gốc của rau củ quả được kinh doanh tại các chợ vì thiếu nhân lực và thiếu văn bản hướng dẫn. Một bộ phận người tiêu dùng thiếu kiến thức về VSATTP.

Vậy hướng giải quyết những bất cập này trong thời gian tới?

Để giải quyết những bất cập này, BCĐ liên ngành về  VSATTP tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định kiện toàn lại BCĐ các cấp, quy định về chức năng nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ và kiến nghị một số biện pháp tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch bảo đảm VSATTP. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho các đối tượng chủ sản xuất kinh doanh và đặc biệt là người tiêu dùng. Tiếp tục tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các nhóm đối tượng, nâng cao năng lực quản lý VSATTP cho cán bộ tuyến huyện, xã. Đồng thời, tổ chức tăng các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành thường xuyên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm VSATTP. Tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện.


Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Thị Thanh thực hiện.


Tin nổi bật Tin nổi bật