Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 4182/UBND-NC ngày 04/6/2024 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Theo đó, nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đồng thời phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung trong Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 23/8/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gắn với việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chỉ thị, quy định, kết luận và văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Tăng cường và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tiếp công dân, nhất là quy định về tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp, các ngành.
Người đứng đầu các ngành, đơn vị, địa phương phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài và là tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và của người đứng đầu. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý.
Chấn chỉnh công tác quản lý; thực hiện nghiêm quy chế văn hóa công sở, nội quy, quy chế làm việc; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; những người bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, ngăn cản việc chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm do mình quản lý.
3. Tập trung thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025 theo Quyết định số 3809/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các kế hoạch, văn bản của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính, kiểm soát tục tục hành chính hằng năm trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật; rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, rút ngắn thời gian giải quyết, khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị; công khai thời gian, địa điểm tiếp công dân của người đứng đầu các cấp, các ngành trên Trang thông tin điện tử và tại Trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị, địa phương; công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử để tổ chức tiếp nhận và kịp thời xử lý, giải quyết, trả lời các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp theo quy định, nhất là về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, đồng thời công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện và giải quyết dịch vụ công trực tuyến.
4. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giáo dục liêm chính; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực và hình thành “văn hóa nêu gương” trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, không tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng, kiên quyết không đưa, không môi giới hối lộ; tích cực, chủ động tham gia phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà để thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng; tôn vinh những điển hình trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Việc thông tin, tuyên truyền cần đảm bảo đúng bản chất, đúng sự thật, không suy diễn, chủ quan, đưa thông tin một chiều, sai lệch.
5. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm, trách nhiệm giải trình, việc thực thi công vụ… Thực hiện tốt các quy định về giải quyết tố cáo, thông tin phản ánh, báo cáo về tham nhũng; các quy định về bảo vệ người tố cáo, bảo vệ người làm chứng trong tố giác và phát hiện tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đề xuất hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ đơn vị, tổ chức, cá nhân chấp hành tốt; kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý những trường hợp vi phạm và công khai danh tính cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi trong việc giám sát của HĐND, các Ban của HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với hoạt động thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc./.