A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rút BHXH một lần như “gặt lúa non”, lợi ít, thiệt lâu dài

Từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 5, toàn tỉnh đã có 6.487 người hưởng BHXH một lần. Trước tình trạng người lao động rút BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, ngành BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ðặng Văn Lý đã có cuộc trò chuyện với Báo Bình Ðịnh về nội dung này.

 Theo ông, tình trạng gia tăng người lao động rút BHXH một lần có những tác động tiêu cực như thế nào?

- Việc rút BHXH một lần ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội chung, phá vỡ các nỗ lực nâng độ bao phủ BHXH của tỉnh và cả nước.

Đặc biệt, điều này mang lại nhiều thiệt thòi cho người lao động (NLĐ). Bởi, trước những khó khăn tạm thời của cuộc sống, nhiều NLĐ lại “nhắm” ngay vào BHXH - khoản tích lũy cho tuổi già. Với số tiền đóng BHXH vài năm thì số tiền rút một lần cũng không nhiều. Nhưng nếu giữ lại khoản đóng BHXH, tìm cách xoay xở vượt qua khó khăn tạm thời thì tuổi già sẽ được “bảo hiểm”, vừa có lương hưu, vừa được phát thẻ BHYT miễn phí, người thân được nhận trợ cấp mai táng phí khi mất... Rút BHXH một lần được các chuyên gia ví như “gặt lúa non”, lợi thì ít mà thiệt thì lâu dài.

Rút BHXH một lần được ví như “gặt lúa non”, lợi thì ít mà thiệt thì lâu dài.

- Trong ảnh: Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đặng Văn Lý (đứng) lắng nghe tâm tư của người hưởng chế độ hưu trí tại điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH. Ảnh: BHXH tỉnh

 Để giúp NLĐ nghĩ dài, nghĩ xa thay vì cái lợi trước mắt, ngành BHXH đang triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

- Ngành đang đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp NLĐ nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH. Qua đó, từng bước tạo dựng và củng cố niềm tin của người tham gia BHXH đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước; trao quyền lựa chọn cho NLĐ bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ được hưởng để giữ chân NLĐ trong hệ thống BHXH.

Toàn ngành đã tập trung tuyên truyền, phân tích về những thiệt thòi khi NLĐ lựa chọn rút BHXH một lần. NLĐ nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ tự tước bỏ quyền được đảm bảo an sinh xã hội của bản thân, tự rời khỏi hệ thống an sinh xã hội.

Đơn cử như NLĐ đóng BHXH tự nguyện, khi nhận BHXH một lần sẽ phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,4 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ bị thiệt khoảng 0,9 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và 0,4 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Ngành BHXH Việt Nam khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian tham gia BHXH thay vì nhận BHXH một lần. Với những khó khăn trước mắt, NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện (được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng với các mức 10 - 25 - 30% trên mức đóng BHXH hằng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn) để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Thời gian đóng BHXH càng nhiều thì mức hưởng sẽ càng cao.

 Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần  thì truyền thông, nâng cao nhận thức NLĐ là chưa đủ…

- Đúng vậy. Việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của NLĐ là giải pháp quan trọng đem đến tác động tích cực, hạn chế “làn sóng” rút BHXH một lần. Chỉ khi NLĐ có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí sinh hoạt và có tích lũy, khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH cũng rất cấp thiết. Trong đó, xem xét sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện. NLĐ sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Cùng với đó là tiếp tục duy trì chính sách BHXH một lần, nhưng nghiên cứu sửa đổi, theo hướng để NLĐ tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài.

Ngoài ra, cần phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, đem lại lợi ích tối ưu nhất cho người tham gia BHXH.

 Xin cảm ơn ông!


Nguồn:Báo Bình Định Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật