Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng, chống dịch Covid-19, Quý IV năm 2021
Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm 2021 đến nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. Số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác tính từ tháng 7 đến hết tháng 9 là 43.200 tàu/tháng, tương đương với 4,6% cường lực khai thác. Chuỗi tiêu thụ thủy sản bị đứt gãy làm giá thủy sản giảm từ 15 đến 20% so với cùng kỳ, nhiều cảng cá phải đóng cửa để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, thời gian qua các địa phương và ngư dân đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn phòng, chống dịch COVID-19, nhờ đó ngành khai thác thủy sản nước ta vẫn bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa duy trì ổn định chuỗi sản xuất. Thủy sản tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với sản lượng tăng 8%, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 7% so với năm 2020. Hoạt động phòng, chống khai thác bất hợp pháp, tháo gỡ thẻ vàng được thực hiện đồng bộ ở các cấp, ngành, đúng hướng, có chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương.
Tổng cục Thủy sản nhận định, những tháng cuối năm 2021 khai thác thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn lớn, như: Giá vật tư đầu vào cho hoạt động khai thác vẫn ở mức cao; lao động nghề cá tiếp tục bị thiếu hụt. Bên cạnh đó các thị trường quốc tế tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng và thủ tục nhập khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc… sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu năm 2021. Trước thực trạng trên, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh khai thác thủy sản trong những tháng cuối năm 2021.
Tại Bình Định, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương, ngư dân Bình Định vươn khơi bám biển và duy trì sản xuất. Trong 9 tháng đầu năm, tình hình tàu cá hoạt động trên biển khoảng 80% với các nghề chủ lực. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 208.732 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Dự kiến sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 ước đạt 258.412 tấn, tăng 2,5% so với năm 2020. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 7.498 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Tỉnh có 3 cảng cá lớn gồm cảng cá Quy Nhơn và cảng cá Đề Gi - cảng cá loại 2, cảng cá Tam Quan-cảng cá loại 3; năng lực xếp dở là 80.000 tấn hàng hóa/năm. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Quản lý các cảng cá đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch, điều chỉnh khung giờ để đáp ứng nhu cầu hoạt động, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Trong những tháng cuối năm, Sở NN&PTNT chỉ đạo các Ban Quản lý cảng cá xây dựng phương án cụ thể trong tình hình mới vừa đảm bảo công tác phòng dịch vừa tạo thuận lợi cho ngư dân, tàu thuyền ra vào cảng hoạt động; đẩy mạnh hoạt động thu mua và tiêu thụ sản phẩm thủy sản chế biến, cung cấp thông tin, kết nối để các DN tìm kiếm thị trường phù hợp…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương liên quan đã cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khắc phục khó khăn đẩy mạnh khai thác thủy sản. Đồng chí nhấn mạnh: Ngành thủy sản đang phải đối mặt với “khó khăn kép” do ảnh hưởng của dịch bệnh và vấn đề cảnh báo thẻ vàng. Do đó, để khai thác thủy sản tiếp tục tăng trưởng, thích ứng an toàn dịch bệnh, Thứ trưởng đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung hiệu quả các nhóm giải pháp. Trong đó, đề nghị các địa phương lưu ý đến vấn đề ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho cán bộ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Có chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch. Nắm bắt tình hình diễn biến dịch COVID-19 và tình hình sản xuất chuỗi cung ứng khai thác thủy sản để phối hợp liên ngành, liên tỉnh, có giải pháp linh hoạt phòng, chống dịch bệnh và quản lý sản xuất…
Thùy Trang