Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Định 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 6,46%
Tổng sản phẩm trên địa bàn sơ bộ năm 2023 tăng tính tăng 6,46% xếp vị thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vị thứ 9 trong 14 tỉnh Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung và xếp vị thứ 27 cả nước. 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế của tỉnh gặp những thuận lợi cơ bản như sau:
Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh tập trung quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tỉnh đã kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Những nhân tố đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là:
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,3%; Kế hoạch năm 2023 ngành Nông nghiệp tăng 3-3,2%). Ngành Nông nghiệp tích cực chủ động điều hành kế hoạch sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương trong việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn có giá trị kinh tế. Tình hình chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2023 phát triển tương đối ổn định. Tiếp tục đẩy mạnh tái đàn lợn, phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, gắn với thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng vaccine và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Phong trào chăn nuôi bò vỗ béo trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, nhất là nuôi bò lai; nhờ công tác lai tạo đàn bò người chăn nuôi vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả khá. Tình hình sản xuất lâm nghiệp trong tỉnh 6 tháng đầu năm 2023, tiếp tục đà tăng trưởng, chủ yếu khai thác gỗ rừng trồng tăng, do đến thời kỳ khai thác; diện tích rừng được quản lý chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh toàn tỉnh ổn định. Công tác trồng, chăm sóc, quản lý và phòng chống cháy rừng được quan tâm và chỉ đạo kịp thời. Đối với hoạt động thủy sản, ngư dân đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc khai thác nên sản lượng theo các chuyến biển ngày càng tăng. Chính sách ưu đãi phát triển khai thác hải sản xa bờ của Nhà nước đã giúp ngư dân tích cực ra khơi. Do đó, tình hình sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 tương đối ổn định.
Ngành xây dựng tăng 19,34% (cùng kỳ tăng 6,45%). Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tiếp tục được triển khai thực hiện; công tác phối hợp, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án được chú trọng, nhiều dự án đang khẩn trương xây dựng, lắp đặt thiết bị; một số dự án sản xuất công nghiệp đã và đang hoàn thiện, đi vào hoạt động ; công tác quản lý đất đai, xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép và công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong Khu kinh tế Nhơn Hội tiếp tục được đẩy mạnh.
Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,72% (Kế hoạch năm 2023 tăng 7,9 – 8,7%). Một số ngành có tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ như: Bán buôn và bán lẻ tăng 11,33%; ngành vận tải tăng 10,41%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,03%; hoạt động vui chơi, giải trí tăng 8,63%; hoạt động dịch vụ khác tăng 25,81%. Sáu tháng đầu năm 2023, các hoạt động văn hóa, thể thao được phát triển mạnh để kích cầu du lịch, một số chương trình đặc sắc lần đầu tiên tổ chức tại Bình Định đã thu hút lượng lớn du khách tham gia, thúc đẩy các ngành lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng trưởng.
Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 2,23% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm dần, trong đó: CPI tháng 01 tăng cao nhất với 3,57%, tháng 02 tăng 3,25%, tháng 3 tăng 2,66%, tháng 4 tăng 1,67%, tháng 5 tăng 1,28% và đến tháng 6 mức tăng còn 0,98%.
Hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội diễn ra sôi nổi; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định.
Bên cạnh nhưng thuận lợi cơ bản, 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh Bình Định cũng đã phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Bước vào đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao, nhiều doanh nghiệp nguồn tài chính không đảm bảo, sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hoá trong và ngoài nước đã làm nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có 446 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tăng 9,6% và 36 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 20% so với cùng kỳ.
Tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, một số ngành sản xuất trong tỉnh còn đang gặp khó khăn do đơn hàng đầu ra giảm. Dự báo các doanh nghiệp sẽ còn nhiều thử thách trong thời gian đến do lãi suất ngân hàng cao, lạm phát các nước trên thế giới tăng cao buộc người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức mua giảm, xuất khẩu tại các thị trường sụt giảm theo. Ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,49% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 10,49% - kế hoạch năm 2023 công nghiệp tăng 9,5-9,7%).
Các doanh nghiệp xuất khẩu đang rất khó khăn trong việc ký hợp đồng với đối tác. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 930,6 triệu USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 730 triệu USD, giảm 14,4% so cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2022 tăng 26,8% so cùng kỳ).
Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 chịu ảnh hưởng của tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu không khả quan, do đó tổng thu ngân sách trên địa bàn giảm. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5.722,7 tỷ đồng, đạt 41,9% dự toán năm và bằng 75,2% so với cùng kỳ.
Sáu tháng cuối năm, trước những khó khăn do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế thế giới, nhất là những biến động về giá cả, thị trường xuất khẩu, lãi suất… các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần chủ động theo dõi sát và cập nhật kịp thời tình hình thế giới và trong nước, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công các nhiệm vụ, giải pháp do Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra để đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.