Ưu tiên tối đa các nguồn lực cho giáo dục phát triển
Đây là chỉ đạo quan trọng của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc ngày 31.7 giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh về tình hình triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực GD&ĐT.
Nhiều kết quả tích cực
Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn cho biết: Thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 7.9.2022 của HĐND tỉnh và Quyết định số 3208/QĐ-UBND ngày 3.10.2022 của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở GD&ĐT và UBND các địa phương trong tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo trường, lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, tạo thuận lợi trong công tác dạy và học của giáo viên và học sinh. Đến năm học 2023 - 2024, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã sắp xếp, tổ chức lại, tinh giảm còn 640 cơ sở giáo dục, đảm bảo việc dạy và học cho 335.790 học sinh.
“Bình Định đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ năm 1998, đạt chuẩn phổ cập THCS năm 2004, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2005, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015”, ông Tuấn cho hay.
Về đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, từ năm 2018 đến nay, theo lãnh đạo ngành GD&ĐT, toàn tỉnh đã quy hoạch, mở rộng thêm 502.240 m2 đất để xây dựng mới và xây dựng bổ sung các hạng mục cơ sở vật chất của các trường. Tổng số trường được đầu tư xây dựng mới, xây dựng bổ sung (bao gồm cả mua sắm bàn ghế học sinh theo chuẩn) là 351 trường; số phòng học được xây dựng kiên cố hóa, xây dựng bổ sung 1.318 phòng; số phòng học bộ môn, chức năng, hiệu bộ xây dựng bổ sung 1.112 phòng. Tổng kinh phí đã đầu tư hơn 2.352 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương lồng ghép các chương trình, dự án và ngân sách tỉnh hơn 1.122 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương (huyện, thị xã, thành phố) và vốn xã hội hóa 1.230 tỷ đồng.
Vẫn còn khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học của ngành GD&ĐT còn một số tồn tại, khó khăn. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn, do nguồn lực của tỉnh và các địa phương còn hạn chế nên việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT.
“Các chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục chưa tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, chưa tạo điều kiện thuận lợi để huy động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở vật chất trường học. Việc mua sắm thiết bị dạy học gặp nhiều khó khăn do công tác thẩm định giá, danh mục do Bộ GD&ĐT ban hành chưa có thiết bị mẫu, một số thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài nên việc lựa chọn tiêu chuẩn thiết bị để lập thủ tục mua sắm gặp nhiều khó khăn”, ông Tuấn cho hay.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam nêu thực trạng, nhiều năm trở lại đây, thành phố gặp khó khăn trong việc bố trí đảm bảo diện tích tối thiểu để xây dựng trường học theo quy định vì không còn quỹ đất. “Để đảm bảo chỗ học cho học sinh, 5 năm gần đây, trong quá trình cải tạo, nâng cấp các trường, thành phố đã chọn giải pháp nâng tầng các trường học để tiết kiệm diện tích đất, nâng số phòng học cho học sinh. Đề nghị tỉnh quan tâm bố trí quỹ đất thích hợp để thành phố xây dựng mới, mở rộng các trường học, đảm bảo tiêu chuẩn”, ông Nam đề xuất.
Nêu khó khăn về tự chủ tài chính tại các trường mầm non công lập, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn cho biết, theo Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 11.12.2021 của HĐND tỉnh, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 13 trường mầm non công lập phải hoàn toàn tự chủ về tài chính. Tuy nhiên để thực hiện được nội dung của nghị quyết này rất khó khả thi.
“Trên địa bàn TX Hoài Nhơn hiện có 2 trường mầm non Bồng Sơn và Tam Quan nằm trong số các trường đến cuối năm 2024 phải hoàn toàn tự chủ về tài chính, tuy nhiên, tại các cơ sở giáo dục này cơ sở vật chất đang xuống cấp. Nếu thực hiện tự chủ tài chính 100%, học phí dự kiến phải ở mức từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tháng/em mới đủ trang trải. Tuy nhiên, tăng học phí lên cao thì phụ huynh khó đáp ứng được”, ông Tuấn nói.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng kết luận buổi làm việc giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh về tình hình triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực GD&ĐT. Ảnh: N.H
Tập trung ưu tiên nguồn lực cho giáo dục
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, nhờ sự quan tâm cho lĩnh vực giáo dục, đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Hiện, toàn tỉnh có 442 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 70,1% tổng số trường; trong đó, mầm non có 100 trường (chiếm 45,8%), tiểu học 176 trường (chiếm 85,8%), THCS 132 trường (chiếm 89,1%), THPT 34 trường (chiếm 60,7%). Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, toàn tỉnh phấn đấu nâng trường chuẩn quốc gia lên 75%.
“Trong giai đoạn 2026 - 2030, qua khảo sát nhu cầu, toàn tỉnh ước tính sẽ đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng cho lĩnh vực GD&ĐT. Trong đó, tỉnh sẽ quan tâm đến việc đầu tư nâng cấp các trường học, cơ sở giáo dục có phòng, lớp học bị xuống cấp, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo việc dạy và học theo quy định của Bộ GD&ĐT”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Tỉnh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực GD&ĐT, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Do vậy, tỉnh sẽ ưu tiên tối đa nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT, Sở Xây dựng phối hợp với Sở GD&ĐT quy hoạch, ưu tiên quỹ đất tốt nhất, thuận lợi nhất để xây dựng các trường học, cơ sở giáo dục. Đề nghị Sở GD&ĐT xây dựng đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học giai đoạn 2026 - 2030 để sớm trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đồng thời, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo để sớm nâng cấp, xây dựng mới các trường học bị xuống cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị, bàn ghế.