A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Chìa khóa" đưa Hoài Ân trở thành “thủ phủ” cây ăn trái

Hoài Ân là huyện trung du của tỉnh Bình Định. Xưa kia, mảnh đất này vốn hoang sơ, cằn cỗi, việc sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, Hoài Ân đã trở thành “thủ phủ” trái cây lớn, không chỉ của tỉnh Bình Định mà của cả khu vực miền Trung.

Đổi đời nhờ cây ăn quả

Để làm nên “kỳ tích” này, bên cạnh trợ lực của chính quyền địa phương, thì sự năng động, chịu khó học hỏi, lao động sản xuất của người dân là chìa khoá thúc đẩy phát triển kinh tế từ nông nghiệp.

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp trở về mảnh đất Gò Lôi, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân). Hoài Ân không chỉ là địa chỉ đỏ về lòng yêu nước, phong trào cách mạng hào hùng, mà người dân ở đây rất cần cù, chịu khó, quyết chí làm ăn. Từ tìm tòi học hỏi, họ đã biến mảnh đất cằn này thành “thủ phủ” cây ăn trái nức tiếng gần xa, với mênh mông những vườn bưởi da xanh, ổi, cam, quýt, sầu riêng, bơ… trĩu quả. 

Nhiều nông dân ở Hoài Ân đã giàu lên từ việc trồng bưởi và nhiều cây ăn trái khác

Bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây hồ hởi chia sẻ: Ngày trước, nhắc đến vùng đất này, mọi người biết đến thương hiệu chè Gò Lôi ngon khỏi chê là sản phẩm tiến vua. Nhưng nay, địa phương còn được biết đến là “thủ phủ” bưởi da xanh của Bình Định. Hiện nay, bưởi da xanh Gò Lôi đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. 

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ loại cây ăn trái này, chính quyền địa phương và người dân cũng đang cố gắng từng bước hình thành các khu chuyên dành để trồng cây ăn quả đạt chất lượng, xuất sang các thị trường lớn.

Thăm vườn bưởi xanh da đang trong giai đoạn thu hoạch, có diện tích 5.000m2 đạt tiêu chuẩn VietGap của lão nông Nguyễn Minh Sửu. Ông cho hay: Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng đậu, mè, bắp… thu nhập không đáng kể. Được sự động viên của chính quyền, gia đình mạnh dan vay vốn để đầu tư trồng bưởi da xanh. Với thu nhập hiện nay, mỗi đợt thu hoạch mang về hàng chục triệu đồng, không những giúp gia đình trang trải cuộc sống mà còn có vốn để tiếp tục đầu tư.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Cấp (74 tuổi, xã Ân Tường Đông) lại chọn cách trồng xen canh bơ, sầu riêng và nhiều loại cây ăn quả khác trên diện tích 12ha, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Hiện ông Cấp là một trong những nông dân có diện tích trồng cây ăn quả vào hàng bậc nhất huyện Hoài Ân.

Theo lời ông Cấp, ngày xưa, ở đây chỉ biết trồng keo, sau khi tìm hiểu, ông chuyển sang trồng khoảng 1.000 cây dừa. Chăm sóc vài năm, cây dừa sai trĩu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ dừa. 

“Khi cây dừa phát triển ổn định, nhận thấy còn nhiều diện tích đất trống, tôi trồng bơ, sầu riêng, mít thái và cả hồ tiêu xen lẫn trong diện tích trồng dừa. Hiện nay, sầu riêng, bơ đã cho quả sai và hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao từ vườn trái cây này", ông Cấp cho hay.

Ở xã Ân Nghĩa, anh Nguyễn Minh là một trong những hộ trồng dừa xiêm, mít thái, bưởi da xanh lớn, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Theo anh Minh, mô hình trồng cây ăn trái đang phát triển rất mạnh ở địa phương. Người này trồng thành công thì hỗ trợ kỹ thuật cho hộ khác trồng. Cây ăn trái không những giúp bà con thoát nghèo, mà còn có của ăn của để. Hiện nay, về vấn đề kỹ thuật chăm sóc cây, bà con được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông huyện, đầu ra thì được UBND xã ký kết với đơn vị tiêu thụ ổn định nên không phải lo.

Đưa thương hiệu vươn xa

Có thể khẳng định, những vườn cây trái đã góp phần làm giảm số lượng hộ nghèo và thay đổi diện mạo cho mảnh đất Anh hùng Hoài Ân. Nhiều hộ dân từ tay trắng, nhờ trồng cây ăn quả mà thoát nghèo, xây được nhà đẹp, mua sắm vật dụng đắt tiền. Điều làm nên thương hiệu cho cây trái đất Hoài Ân, không chỉ ở chất lượng thơm ngọt, mà còn ở cách trồng, chăm sóc, thu hoạch. 

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, các trang trại trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện thực hiện rất tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện có 100 ha đất, vườn sản xuất đạt tiêu chuẩn Viet Gap và hữu cơ.

Cũng theo ông Khúc, từ đầu năm đến nay, Hoài Ân đã xuất bán ra thị trường trên 1.700 tấn bưởi, 245 tấn bơ, 175 tấn mít, hơn 18.000 tấn dừa và một số sản phẩm nông nghiệp khác. Nhiều sản phẩm nông nghiệp huyện Hoài Ân đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nhất là bưởi da xanh.

“Huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch sản xuất, nhất là đã quy hoạch các vùng chuyên canh các loại cây ăn quả với gần 1.500 ha. Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, công trình thủy lợi…hơn 100 tỷ đồng ở khu vực quy hoạch trồng cây ăn quả cho người dân yên tâm sản xuất”, ông Khúc cho biết thêm.

Huyện Hoài Ân cũng xây dựng HTX nông nghiệp chuyên ngành tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, mức độ nhận diện cho sản phẩm nông nghiệp của Hoài Ân, thông qua việc tiếp tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm của địa phương. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là củng cố xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông, hệ thống điện...

Bên cạnh đó, cứ 2 năm 1 lần, huyện Hoài Ân tổ chức Ngày hội nông sản quy mô lớn nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của huyện đến với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; mời gọi, kết nối nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia ký kết liên kết đầu tư mua, bán, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn đảm bảo đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, để nâng cao giá trị sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho sản phẩm.


Tác giả: T.Nhân-H.Trường
Nguồn:baodantoc.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật