A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An Lão: Chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Là huyện miền núi, chăn nuôi được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện An Lão. Những năm trước đây, theo cách chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả mang lại chẳng là bao. Từ khi sản xuất theo hướng hàng hóa, chăn nuôi ở huyện này mới thực sự bứt phá.

An Lão hiện có tổng đàn gia súc trên 31.500 con, trong đó có hơn 3.000 con trâu, gần 7.500 con bò (bò lai chiếm 41,3% tổng đàn). Ông Phạm Minh Tâm, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão cho biết: Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hiện nay An Lão đã hoàn thành quy hoạch và đưa vào sử dụng 490 ha đồng cỏ để phát triển chăn nuôi đàn gia súc, đảm bảo cung cấp đủ một phần thức ăn tự nhiên quanh năm cho hơn 5.000 con trâu, bò.


Hầu hết các đồng cỏ được chú trọng quy hoạch theo hướng bán thâm canh kết hợp với trồng cỏ cao sản. Các đồng cỏ có diện tích lớn được quy hoạch tập trung ở các xã vùng cao như: Đồng Lau, đồng Tranh (xã An Toàn); đồng Hòn Chiêng, đồng Nước Ron (xã An Nghĩa); đồng Nước Úc (xã An Quang).


Một mô hình chăn nuôi hiệu quả cao ở miền núi.


Riêng các xã vùng thấp như An Hòa, An Tân, An Hưng, An Dũng, An Vinh và thị trấn An Lão; người chăn nuôi tận dụng một phần diện tích đồng cỏ tự nhiên kết hợp với trồng cỏ cao sản, đồng thời chế biến dự trữ thức ăn phục vụ chăn nuôi từ các sản phẩm và phụ phẩm SX nông nghiệp.


Trong 7 năm gần đây, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bằng nhiều nguồn vốn, An Lão đã đầu tư gần 58 tỷ đồng nhằm hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi. Ngoài ra còn tổ chức 117 lớp đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho 5.405 lượt cán bộ và nông dân địa phương.


Qua các lớp đào tạo, tập huấn người chăn nuôi ở huyện An Lão đã nắm chắc các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, tiếp cận được thị trường, lựa chọn con giống chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò lai, bò sinh sản từ 10 - 15 con/hộ; nuôi heo sinh sản, heo hướng nạc từ 30 - 50 con, cá biệt có hộ nuôi heo thịt lên đến 500 con. Nhiều hộ chăn nuôi có thu nhập bình quân hàng năm từ 50 - 100 triệu đồng.


Ông Phạm Thanh ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân, một trong những hộ có thu nhập khá từ chăn nuôi cho biết: “Sử dụng lợi thế từ khu vườn rộng, sau khi trồng dây tiêu lên cao, gia đình tôi thả nuôi 120 con gà, vịt. Sau đó, góp vốn từ bán lúa, hạt tiêu, gia cầm gia đình đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi heo. Lúc đầu gầy 3 con heo giống sinh sản, heo con đẻ ra bao nhiêu để lại chăn nuôi heo thịt.


Bình quân mỗi năm gia đình bán ra thị trường 3,5 tấn heo hơi, sau khi trừ chi phí còn thu lãi hơn 60 triệu đồng. 2 năm trở lại đây, được nhà nước hỗ trợ 2 con giống heo rừng lai gia đình đã làm chuồng riêng để chăn nuôi. Đến nay đàn heo rừng lai đã sinh sôi nảy nở lên 30 con”.


Theo ông Thanh, chăn nuôi heo hướng nạc và heo rừng lai không khó, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt cần chú ý khâu vệ sinh chuồng trại, tận dụng nguồn phân để bón cho cây và làm chất đốt, tránh ô nhiễm môi trường, chú trọng việc tiêm phòng vacxin đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm để tránh dịch bệnh.


Theo nongnghiep.vn



Tin nổi bật Tin nổi bật