An Lão: Giải pháp phòng, chống hạn trong sản xuất nông nghiệp, trong điều kiện thời tiết bất thường
Ảnh minh họa.
Đối với diện tích đủ nước tưới, gieo sạ hết diện tích, tập trung đầu tư thâm canh để đạt năng suất cao nhất; sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 100 -110 ngày, ưu tiên loại giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, thích ứng với điều kiện hạn, chống chịu sâu bệnh tốt; đối với số diện tích chỉ đảm bảo tưới một phần hoặc thiếu từ 1-2 đợt tưới, nếu không chuyển đổi sang cây trồng cạn được thì kiên quyết không sản xuất.
Theo ước tính của huyện, khả năng tưới vụ Hè Thu từ các hồ chứa và hệ thống đập dâng từ 900 đến 1.000 ha; diện tích thiếu nước khoảng 156 ha - 450 ha (cả lúa, màu). Hiện nay, lượng dòng chảy đến ở các đập dâng, sông, suối ước tính đạt từ 40% đến 60% lưu lượng.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách phối hợp UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân phòng, chống hạn đạt hiệu quả; tham mưu UBND huyện xử lý kịp thời các trường hợp cấp bách do hạn hán gây ra.
Vận động người dân tiếp tục nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, thực hiện tưới tiết kiệm, hạn chế rò rỉ, tiêu hao nước, đảm bảo tưới tiết kiệm ngay từ đầu vự, ưu tiên nước cho lúa giai đoạn đòng, trổ. Tranh thủ các đợt mưa giông, chủ động giữ nước trên ruộng, tận dụng dòng chảy cơ bản trên các khe suối để tưới, hạn chế tối đa sử dụng nước hồ chứa.
Đồng thời, các chủ đập xác định cụ thể dung tích trong hồ chứa để bố trí diện tích cây trồng với nguyên tắc tại đầu mối cần từ 8.000 đến 10.000 m3 nước tưới cho vụ Hè Thu; đối với đập dâng lưu lượng cần tưới cho 1ha là 1,2 l/s; mỗi đợt tưới 10 ngày, lượng nước cần 400m3/ha/đợt, tương đương lớp nước trên mặt ruộng từ 3-6cm. Tập trung củng cố các Tổ thủy nông dẫn nước, thực hiện tưới luân phiên theo phương pháp “nông-lộ-phơi” và thực hiện phân phối, xa trước, gần sau; có biện pháp gia cố các đập dâng trên các dòng suối để chống thất thoát nước đầu nguồn.
Anh Nga