A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Ân: Đăng ký 4 sản phẩm nông nghiệp ưu tiên hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ

(binhdinh.gov.vn) - Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Khúc, thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, huyện Hoài Ân đăng ký 4 sản phẩm, gồm: thịt heo, bưởi da xanh và các loại cây ăn quả, kén tằm và trà Gò Loi.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, toàn huyện có 42 trang trại, trên 1.850 gia trại và 10.000 hộ gia đình chăn nuôi heo, tổng đàn heo trên 220.770 con, là địa phương có đàn heo lớn nhất tỉnh. Đối với bưởi da xanh và các loại cây ăn trái khác (dừa xiêm, nhãn, vãi, quyết đường, chôm chôm, bơ sáp…) tổng diện tích trên 2.037ha; trong đó, trên 1.500ha đã cho thu hoạch. Diện tích trồng dâu nuôi tằm trên 216ha với sản lượng kén tằm gần 200 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây. Diện tích chè gần 30ha, với sản lượng trà trên 23 tấn/năm, tập trung tại xã Ân Tường Tây.

Theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018, khi thực hiện tham gia liên kết, các trang trại, gia trại, hộ gia đình sản xuất được hưởng các chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác; được sử dụng tài sản đầu tư trên đất và tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng; được cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ liên kết của nhà nước, giá cả, thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, khoa học kỹ thuật, công nghệ và các dịch vụ công ích khác phục vụ liên kết; được lựa chọn phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp phát sinh trong thực hiện hợp đồng, dự án liên kết; được bảo đảm đối với các tài sản, hạng mục công trình hạ tầng đầu tư tham gia liên kết (bao gồm cả tài sản do nhà nước hỗ trợ) theo quy định của pháp luật. Đồng thời, được hỗ trợ kinh phí xây dựng dự án liên kết, phương án, kế hoạch phát triển thị trường; hỗ trợ hạ tầng để phục vụ liên kết như máy móc, nhà xưởng, bãi kho, chế biến; hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì nhãn mác…

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Khúc, huyện Hoài Ân đang đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển một số loại cây trồng có thế mạnh tại địa phương. Từ năm 2016 đến nay, bằng các nguồn vốn, huyện đã hỗ trợ thực hiện gần 100 ha các các loại cây như bưởi da xanh, bơ sáp, dừa xiêm, chè… Hiện nay, đang thực hiện các bước đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Hoài Ân” và “Trà Gò Loi”./.

 

Tống Bình


Tin nổi bật Tin nổi bật