Hoài Ân tổ chức tốt việc hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản
Những năm qua, huyện Hoài Ân có nhiều giải pháp, kế hoạch phù hợp, tổ chức thực hiện tốt mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại sản phẩm địa phương. Ðây cũng là địa phương duy nhất của tỉnh tổ chức ngày hội nông sản và mở trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp huyện.
Từ năm 2019, huyện Hoài Ân đã xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn trái ứng dụng KHKT công nghệ, quản lý truy xuất nguồn gốc đạt chứng nhận VietGAP, OCOP, hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có 1.482,6 ha cây ăn trái, trong đó có 55 ha bưởi da xanh hợp chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp huyện Hoài Ân là kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản huyện đi khắp nơi. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Phạm Đình Độ (60 tuổi, ở xã Ân Mỹ) - người có vườn cây ăn trái trên 7 ha trồng cam sành, quýt đường, sầu riêng và 1.400 cây bưởi da xanh, trong đó có 1.100 cây đã cho thu hoạch; thu nhập từ khu vườn ước đạt 600 triệu đồng/năm - chia sẻ: Từ ngày huyện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể với bưởi, dừa xiêm, heo, gà ta thả vườn, mít Thái, tiêu hột, thương lái tìm đến tận vườn tôi để mua hàng. Sau khi ký hợp đồng với HTX Nông nghiệp Thanh niên huyện về tiêu thụ nông sản, tôi chỉ còn tập trung chăm sóc cây trồng, tiếp tục mở rộng vườn cây ăn trái, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2023, không chỉ khuyến khích, hỗ trợ xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi ngày càng đa dạng và phong phú về hình thức, loại giống, chất lượng, UBND huyện còn hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất, chế biến kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tháng 5.2023, UBND huyện tổ chức Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I. Cùng với đó, huyện còn chỉ đạo phòng Nông nghiệp, Kinh tế - Hạ tầng đưa nông sản Hoài Ân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm… do các Sở Công Thương, KH&ĐT, NN&PTNT, Du lịch… tổ chức.
Đặc biệt, HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân còn mở rộng thị trường tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội và mở rộng kênh tiêu thụ vào các siêu thị Go!, Co.opmart Quy Nhơn, cửa hàng đặc sản, các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố như: Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Hiện HTX Nông nghiệp Thanh niên ký hợp đồng mua gom, tiêu thụ sản phẩm với nhiều nông hộ, nhà vườn với tổng cộng trên 100 ha bưởi, 150 ha lúa…
Tháng 12.2023, UBND huyện đã hỗ trợ 800 triệu đồng đầu tư một trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bình quân mỗi ngày, có 1.700 con heo thịt các loại, 15 - 20 con trâu, bò, 7.000 con gia cầm (gà, vịt), hơn 10 tấn trái cây... được xuất bán.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, năm 2023, toàn huyện tiêu thụ hơn 300 con trâu, bò; 290 nghìn con heo các loại; hơn 1.700 tấn bưởi; 245 tấn bơ; 225 tấn cam; 175 tấn mít; hơn 18.000 tấn dừa trái và một số loại sản phẩm nông sản khác; trên địa bàn huyện không có hiện tượng ùn ứ, tồn đọng nông sản. Hoài Ân hiện có 42 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Một số sản phẩm bún gạo khô, trà nụ hoa hòe được xuất bán sang thị trường ngoài nước như Campuchia, Lào, Trung Quốc, Mỹ, Nhật…
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Năm 2024, UBND huyện Hoài Ân triển khai thực hiện đề án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện với kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng, trong đó hơn 4,5 tỷ đồng trích từ ngân sách huyện. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024, nâng tổng diện tích bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP trên 200 ha, diện tích dừa xiêm đạt chứng nhận hữu cơ trên 100 ha, mở rộng diện tích trồng sầu riêng tập trung; phối hợp triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm bưởi da xanh và dừa xiêm đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt, UBND huyện mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ, góp phần đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu “Gạo hữu cơ Hoài Ân”.