Hoài Nhơn đưa sản phẩm địa phương vươn xa
Sản phẩm đặc trưng địa phương của Hoài Nhơn trưng bày tại hội nghị chuyên đề phát triển du lịch.
Hoài Nhơn hiện có 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm); trong đó, 2 sản phẩm cấp quốc gia, 2 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 12 sản phẩm 3 sao, 8 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ…
Bắt nhịp thị trường
Ông Trần Đình Tổng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho biết, Hoài Nhơn luôn dành sự quan tâm đến hoạt động sản xuất của các DN, cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng ở địa phương. Điều đó thể hiện rõ ở nguồn lực đầu tư như “tiếp sức” vốn; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Hàng năm, chính quyền địa phương đối thoại với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, giúp chủ cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng được quảng bá sản phẩm tốt nhất, chi phí ít nhất, lại đạt hiệu quả cao.
Có nhiều cơ hội trong quảng bá sản phẩm đặc trưng địa phương, ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh bánh tráng nước dừa Ba Quan nhận thấy sự thay đổi của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, nên đã bắt tay hoàn thiện mẫu bao bì cho bánh tráng nước dừa Ba Quan. Năm 2018, mẫu bao bì với thiết kế phù hợp đã đưa sản phẩm bánh tráng nước dừa Ba Quan vượt lên chinh phục người tiêu dùng. Tại hội nghị xúc tiến thương mại được tổ chức tại các tỉnh miền Tây tháng 11.2019, bánh tráng nước dừa Ba Quan trong diện mạo mới rất hút khách và có nhiều đối tác mới.
“Khi nhìn thấy sản phẩm bánh tráng nước dừa Ba Quan trong hộp mới, chủ siêu thị đặc sản Tú Sơn (tỉnh An Giang) đặt ngay vấn đề mở thêm kênh phân phối bánh tráng dừa. Từ đó đến nay, 3 đơn hàng được vận chuyển vào siêu thị này, đưa bánh tráng nước dừa Ba Quan bước chân vào thị trường An Giang”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Trần Đình Tổng nhìn nhận: Ruột ngon, vỏ đẹp; đó là hai yếu tố cơ bản để các cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng xứ dừa chinh phục thị trường mới. Muốn tạo được giá trị cho sản phẩm, người sản xuất phải làm cho nó đẹp hơn, chất lượng ngon hơn. Kết quả thu được là doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, kéo theo nhiều giá trị khác như việc góp phần ổn định vùng nguyên liệu cho người nông dân, tạo việc làm cho lao động địa phương. Cơ sở sản xuất có nhu cầu mở rộng quy mô, phát triển thành DN, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương.
“Đi cùng” cơ sở sản xuất
Sự quan tâm kịp thời của chính quyền các cấp trong thời gian qua đã giúp Cơ sở sản xuất dừa giòn Thanh Phương (xã Hoài Thanh) phát triển quy mô lớn hơn. Thông qua chương trình khuyến công, cơ sở còn được hỗ trợ nhiều thiết bị sản xuất như máy nướng, máy ngào dừa, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Trong năm 2020, cơ sở tiếp tục đưa vào hoạt động nhà xưởng thứ 2, đầu tư thêm máy nướng công suất lớn, thu hút nhiều lao động địa phương. “Chúng tôi không thể đi xa hơn nếu thiếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thiếu sự đồng hành của chính quyền địa phương. Những khó khăn của chúng tôi được lắng nghe qua các cuộc đối thoại, gặp gỡ DN của chính quyền địa phương các cấp”, chủ cơ sở Dương Thị Phương cho hay.
Còn anh Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Sachi Nguyễn (thị trấn Tam Quan) cho rằng, DN khó khăn nếu không có định hướng từ cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian qua, kịp thời nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách, DN đã hoàn thành nhà xưởng sản xuất bánh tráng theo quy trình khép kín, đưa dòng sản phẩm bánh tráng Sachi ra mắt thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Tại hội nghị chuyên đề phát triển du lịch huyện Hoài Nhơn được tổ chức tháng 10.2019, các sản phẩm đặc trưng như bánh tráng dừa, bánh hồng, tinh dầu dừa, yến sào… được trưng bày nhận được đánh giá cao của các đại biểu tham gia. Ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn khẳng định, đưa sản phẩm đặc trưng địa phương thành các sản phẩm phục vụ du lịch là một hướng đi của Hoài Nhơn.
Theo THU DỊU (baobinhdinh.com.vn)